Gác rừng nơi biên giới
Những ngày tháng Tám, chúng tôi theo chân cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lên thăm chốt bảo vệ rừng của đơn vị.
Con đường dẫn lên chốt nhão nhoét bùn đất. Sau gần một giờ di chuyển trên những chiếc xe máy "đặc chủng", vượt qua nhiều cung đường rừng ngoằn nghèo, dốc đứng chúng tôi có mặt tại lán của anh em bảo vệ rừng. Nói là chốt thế thôi, chứ thực ra nơi đây là một lán tạm bợ, nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi dựng.
Lúc chúng tôi đến tầm 12h trưa. Trong lán có 3 nhân viên bảo vệ rừng đang cặm cụi nhóm bếp, vo gạo chuẩn bị bữa trưa.
Thời tiết mưa dầm cả tháng nay nên củi bị ướt. Anh Nguyễn Văn Thuận mặt bám đầy bụi than, loay hoay nhóm lửa.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Thuận kể: "Tây Nguyên bây giờ đang vào mùa mưa dầm, mưa có khi kéo dài cả tháng trời. Cuộc sống anh em nơi đây vất vả vô cùng, không điện, không sóng điện thoại, đường đi lại bùn ngập đến đầu gối di chuyển rất khó khăn.
Không có nước sinh hoạt, điện, chúng tôi phải đào ao nhỏ để lấy nước mưa phục vụ cho việc tắm giặt, vệ sinh. Cuộc sống có gì ăn đó, chủ yếu là cá khô và rau rừng hái được trên đường tuần tra".
Theo anh Thuận, vất vả nhất là thời điểm mùa mưa, bởi diện tích rừng chốt được giao quản lý hơn cả nghìn ha, nhưng chỉ có 3 anh em. Để tuần tra được hết lâm phần, anh em phải ngủ lại trong rừng có khi cả tuần mới về lại chốt.
Điều nguy hiểm nhất khi ngủ trong rừng là ban đêm trời mưa bão, gió thổi mạnh làm những cành cây khô trên cao rơi xuống không biết đường nào mà né tránh. Hoặc đối mặt với những lâm tặc manh động, có vũ khí.
Mới đây, tổ tuần tra bảo vệ rừng của Ban bị lâm tặc dùng cây gậy tấn công vào vùng đầu, khiến một nhân viên bị thương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch cho biết: "Hiện nay, đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở các Ban quản lý, Công ty lâm nghiệp, diện tích rừng được giao quản lý rất lớn, nhưng có ít biên chế.
Bên cạnh đó, anh em làm việc trong điều kiện rất khó khăn, nguy hiểm. Có những chốt bảo vệ rừng nằm sát khu vực biên giới, điện không có, sóng điện thoại cũng không có".
"Đặc biệt vào mùa mưa bão, nước sông suối dâng cao nhiều chốt bị cô lập, anh em công tác tại chốt không thể ra bên ngoài để tiếp tế lương thực được. Dù công việc vất vả nhưng chế độ đãi ngộ, lương của anh em thấp.
Người làm lâu năm tầm 6 triệu đồng/tháng, người mới vào tầm 4 triệu đồng tháng. Lương thấp, quanh năm phải xa gia đình, nên thời gian qua có rất nhiều nhân viên xin nghỉ việc", ông Vũ cho biết thêm.
Theo ông Vũ, diện tích Ban được giao quản lý là 15.688ha, biên chế được giao 22 người nhưng hiện tại chỉ có 17 viên chức, thiếu 5 người đến nay vẫn chưa tuyển dụng được. Điều này, khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Mong rằng sắp tới, các ngành chức năng có giải pháp nào đó để những người làm công tác bảo vệ rừng đỡ vất vả, cuộc sống ổn định hơn.
Anh Ksor Kiă (SN 1985, trú tại xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) trải lòng: "Công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn bởi khu vực này có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc. Anh em đi rừng ngã trầy trật là chuyện thường ngày. Ngoài ra, địa bàn quản lý khá rộng lại giáp ranh với 2 huyện của tỉnh Đăk Lăk nên nhiều khi các anh em phải đi kiểm tra từ 3-4 ngày mới quay lại trạm".
Công tác tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn
Cũng vì trạm dựng giữa rừng nên những người lính gác rừng thường xuyên phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Ông Nay Rên, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng suối Uar cho biết: "Công tác quản lý bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn bởi địa hình phức tạp, hiểm trở, diện tích rừng rộng lớn trong khi trạm vẫn chưa đủ nhân lực.
Mùa nắng còn đỡ chứ nhiều hôm trời mưa, nước ở các con suối dâng cao khiến anh em ở trạm bị "cô lập" giữa rừng cả tháng trời không thể ra ngoài. Những lúc như vậy anh em đành phải tự túc lương thực bằng cách ra suối bắt cá hay hái rau rừng".
Mặc dù gian khổ, khó khăn là vậy song bất kể ngày nắng hay đêm mưa, lực lượng bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng phòng hộ vẫn miệt mài tuần tra, kiểm soát bảo vệ từng cánh rừng trên lâm phần quản lý.
Đối với họ trong quá trình tuần tra, việc ngã xe, bị thương là chuyện bình thường. Nhưng điều làm họ e dè nhất là khi phải chống chọi với các "lâm tặc" hung hãn và liều lĩnh.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết: "Đơn vị được giao quản lý 23.000ha rừng, biên chế được giao 21 người nhưng hiện chỉ có 18 người. Công việc vất vả, gian nan, nguy hiểm nhưng lương thấp, anh em không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương.
Dù đang thiếu biên chế, nhưng hiện nay, không tuyển dụng được người khiến công tác phân công, quản lý bảo vệ rừng của đơn vị gặp nhiều khó khăn".
"Chính vì vậy, đơn vị thường xuyên phối hợp với các Hạt Kiểm lâm của 2 huyện và Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, cơ quan luôn triển khai quân số trực chiến ở các trạm, các chốt…nhằm thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ rừng", ông Hải chia sẻ.
Ông Hoàng Vĩnh Thuận, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (huyện Chư Prông) cho biết: "Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ia Mơr được xem là "điểm nóng" tệ nạn phá rừng. Dù đơn vị đã làm hết chức trách, nhiệm vụ tuy nhiên vẫn chưa ngăn chặn được triệt để vấn đề này.
Ban được giao quản lý 10.300ha, được phân bổ 19 biên chế nhưng hiện nay mới chỉ có 11 người, còn thiếu 8 biên chế. Lý do khiến nhân viên quản lý, bảo vệ rừng nghỉ việc là áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo, chế độ đãi ngộ chưa cao. Trong khi đó, trách nhiệm của chủ rừng lại rất lớn, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị kỷ luật".