Khắc phục “lỗ hổng” quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương

Duca
Quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn Nghệ An dù đã dần đi vào nền nếp, nhưng vẫn còn đó một số tồn tại, vướng mắc, cần phải có giải pháp gắn với trách nhiệm người đứng đầu để tháo gỡ.

KHẮC PHỤC LỖ HỔNG QUẢN LÝ KHOÁNG SẢN, CHỐNG THẤT THOÁT TÀI NGUYÊN QUỐC GIA

Phân cấp quản lý về khoáng sản còn nhiều "lỗ hổng", nhiều cơ quan tham gia, nhưng thiếu cơ chế phối hợp nên quản lý kém hiệu quả. Chính từ những hạn chế này, nhiều tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

Khoáng sản doanh nghiệp "hưởng", khổ dân "chịu"

Xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp là một trong những địa phương có nhiều mỏ khoáng sản nhất tỉnh Nghệ An. Nơi đây có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, bao gồm 4 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá.

Khắc phục “lỗ hổng” quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương- Ảnh 1.

Tỉnh lộ 532 phải “cõng” một lượng lớn xe tải chở đá mỗi ngày dẫn đến xuống cấp trầm trọng.

Đường vào xã Châu Hồng là Tỉnh lộ 532 dài 25km, đi qua các xã: Châu Quang, Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến, được xây dựng từ những năm 1980, là con đường duy nhất mà các doanh nghiệp dùng để vận chuyển đá từ mỏ về xưởng và đi bán.

Vậy nên, mỗi ngày, con đường phải "cõng" cả trăm lượt xe tải chở đá với trọng lượng mỗi xe nặng hàng chục tấn. Hiện, đường đã xuống cấp nghiêm trọng, chi chít ổ gà, lượn sóng.

"Nhiều đoạn ổ voi, ổ gà chằng chịt. Ngày nắng thì bụi bay mù mịt. Ngày mưa thì bùn đất lầy lội khiến người dân và các phương tiện di chuyển khó khăn. Thậm chí, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra", ông Lương Văn Cầm (bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) cho biết.

Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, cho biết, Tỉnh lộ 532 đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu. Nhiều năm qua, người dân, chính quyền địa phương liên tục phản ánh, kiến nghị lên cấp trên để có phương án, sửa chữa, đầu tư lại con đường cho bà con và nhân dân đi lại nhưng vẫn chưa được.

Khắc phục “lỗ hổng” quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương- Ảnh 3.

Nhiều đoạn trên tỉnh lộ 532 hư hỏng nặng, mặt đường bị bong tróc hoàn toàn.

Ngoài ra, thời gian gần đây, người dân xã Châu Hồng còn vô cùng bất an bởi tình trạng sụt lún đất, xuất hiện hàng trăm "hố tử thần" ở khắp nơi, nhà cửa bị nứt nẻ nghiêm trọng.

Theo thống kê của UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục "hố tử thần". Trong khi, toàn xã chỉ có vỏn vẹn 900 hộ dân.

Khắc phục “lỗ hổng” quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương- Ảnh 4.

Đây là con đường duy nhất mà các doanh nghiệp tại địa bàn dùng để vận chuyển đá từ mỏ về xưởng và đi bán.

Để làm rõ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo một số ngành đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trường sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản

Thực hiện chương trình khảo sát việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, lấy ý kiến dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ngày 17/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra thực tế một số điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Khắc phục “lỗ hổng” quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương- Ảnh 5.

Vài năm gần đây, tại xã Châu Hồng xuất hiện nhiều "hố tử thần" ngay trong nhà dân.

Theo báo cáo, Quỳ Hợp hiện có 83 mỏ được cấp phép còn hạn, 158 xưởng chế biến khoáng sản, 6 cụm công nghiệp, 6 khu chế biến đá tập trung và nhiều khu vực có khoáng sản chưa được cấp phép cần phải bảo vệ.

Tuy nhiên, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước mỏng (phòng Tài nguyên và Môi trường huyện được biên chế 5 người). Mặt khác, thiếu công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số loại khoáng sản (đá cảnh, thạch bàn...) thường phân tán nhỏ lẻ trong vườn, đất nông nghiệp nên người dân thường lợi dụng chủ trương cải tạo đất nông nghiệp để khai thác trái phép, dẫn đến việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình khai thác khoáng sản, một số công ty, doanh nghiệp đã đổ đất, đá thải lên khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất làm bãi thải theo quy định (hành vi chiếm đất này đã được UBND huyện xử phạt). Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm" rất khó thực hiện.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép và vẫn phải đóng thuế cho Nhà nước hằng năm nhưng không được khai thác (do chưa được cho thuê đất), gây khó khăn về kinh tế cho doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước của địa phương.

Khắc phục “lỗ hổng” quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương- Ảnh 6.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trực tiếp kiểm tra hiện trường sụt lún.

Ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đã nêu ở trên, thì địa phương đề nghị Trung ương xem xét quy định rõ cơ chế đặc thù cho các địa phương có khoáng sản phải quản lý.

Như: bổ sung thêm nhân lực, cung cấp phương tiện, thiết bị máy móc, kinh phí cần thiết để phục vụ nhiệm vụ; và có chế độ trợ cấp đặc thù cho cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản…

Đồng thời, nghiên cứu giao trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho lực lượng công an các cấp, còn cơ quan quản lý nhà nước địa phương là đơn vị phối hợp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Huyện Quỳ Hợp đề xuất Quốc hội cũng cần quy định rõ quyền lợi địa phương nơi có khoáng sản được khai thác là cấp huyện và cấp xã; Quy định tỷ lệ phần trăm trong tổng thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản mà địa phương được hưởng; tránh tình trạng đã được quy định trong Nghị định 158/2016/NĐ-CP nhưng thực hiện không hiệu quả.

Khắc phục “lỗ hổng” quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương- Ảnh 7.

Người dân bất an bởi tình trạng sụt lún đất, xuất hiện "hố tử thần"

Từ thực tế quản lý khoáng sản chưa cấp phép của chính quyền địa phương cấp xã và huyện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận thực trạng khu vực khoáng sản thường tập trung vùng núi cao, giao thông khó khăn; đối tượng khai thác trái phép nhiều thủ đoạn tinh vi và khi bị phát hiện thường chối quanh co...

Trong khi đó, chính quyền địa phương không được trang bị công cụ, phương tiện hỗ trợ, không có thẩm quyền, nghiệp vụ điều tra nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm không triệt để…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị, địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm, đồng thời phối hợp tốt hơn với các cấp, ngành nhằm tạo hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn.

Địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh, nhất là quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy các cấp trong quản lý khoáng sản.

"Đoàn tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; đồng thời tham gia cho ý kiến tại các phiên họp của Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật này", bà Thái Thị An Chung nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An Cao Tiến Trung cho biết, trong vòng 5 năm (2016 – 2021), thu từ các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 4.581 tỷ đồng và thuế xuất khẩu khoáng sản hơn 378 tỷ đồng.