Cúng ông Công, ông Táo - Nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt.

Duca
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm, người Việt lại chuẩn bị mua sắm lễ vật, chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo và phóng sinh cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp.

Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của con người. Và hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

dt2ang-1706846413.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời.

Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Ngoài ra còn có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... Tuy nhiên, thực tế tùy theo khả năng của từng gia đình, các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay.

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.

Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): Cúng ông Táo nên thành tâm, giản dị. Thờ bếp lửa là tín ngưỡng toàn nhân loại. Ở phương Đông, gọi là tục thờ Táo Quân hay còn gọi là Táo Công Tư Mệnh Thần Quân. Tục lệ cổ xưa vốn là thờ mặt trời, thần lửa và thần bếp, sau này tích hợp cả ba biểu tượng đó. Ở Việt Nam, hai chữ Táo Công (ông Táo) được nói lấp láy thành “ông Công ông Táo”, nhưng thực chất chỉ có ông Táo.

Chủ điểm thờ ở Việt Nam là bếp lửa nấu nướng, với ý nghĩa trọng bếp lửa gia đình, nơi nuôi nấng mọi cá nhân, tôn trọng vai trò người phụ nữ. Hình tượng thờ tự cũng đặc biệt, đó là nhân hoá 3 vị thần (mặt trời, thần lửa và thần bếp) thành ba nhân vật gồm 2 nam 1 nữ với tên gọi có ý nghĩa mà truyền thuyết ghi lại: Trọng Cao thì “cao” có nghĩa là bột gạo, là cơm; Phạm Lang thì chữ “lang” có âm đọc là “canh” tức món canh; Thị Nhi thì chữ “nhi” có nghĩa là nấu nhừ, nấu chín. Đó là bữa ăn cơ bản của người dân: Cơm, canh nấu chín - điều này thể hiện tinh thần hướng về bình dân rất rõ.

Người Việt Nam cúng cá chép đỏ khi cúng ông Táo vì có truyền thuyết cá chép được dùng làm vật cưỡi của Táo Quân, nhưng bên cạnh đó có nhiều căn nguyên văn hoá. Cụ thể, với ý tưởng "cá chép gắn liền với bếp lửa", sách xưa ghi rằng, cư dân phương Nam đẽo “mộc ngư” (cá gỗ) làm móc treo nồi khi nấu nướng ở bếp, đó là công cụ bếp quen thuộc. Cá chép là loại cá nước ngọt thường dùng trong cúng tế vì thịt ngon, ít xương. Vảy cá chép được dùng tạo hình cho hình ảnh rồng nên nó mang tính thiêng của rồng. Truyện cá chép hoá rồng nói về công phu tu luyện của cá chép nên có thể bay lên trời như rồng. Cá chép có màu đỏ là màu lửa và cũng là màu may mắn, nghĩa tình của phương Đông.

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ : Dân gian tin rằng, cá chép chở Táo Quân lên trời báo việc xấu tốt của gia đình nên khi tiến hành cúng tiễn ông Táo thường rất thận trọng. Cái nên là sự kính cẩn, thành tâm, giản dị. Tuỳ điều kiện của mình mà làm lễ, “tuỳ tiền biện lễ” là vậy. Không ganh đua, theo nhau tốn kém quá mức. Mình làm theo chính mình, thế mới là tự do. Mà tự do là lý tưởng cả nhân loại hướng tới.

Điều đáng lưu ý, sau khi cúng xong, khi thả cá, mọi người cần chú ý một số điều như: chọn mua những con cá trông nhanh nhẹn, không bị bong vảy; chọn thả cá về đúng môi trường mà cá có thể sinh sống; không nên ném cả túi ni lon cá xuống hồ, làm cá không thể thoát ra ngoài; nhặt, vứt túi nylon đúng nơi quy định… Mỗi người dân hãy ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường xanh và sạch đẹp, vừa thực hành tiết kiệm, vừa gìn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.