Chợ hoa Tết xưa

Duca
Chợ hoa Ngã Tư Sở (Hà Nội) tối 30 Tết Giáp Tý (1984) rất đông vui nhộn nhịp. Ngã tư Sở là nơi hội tụ của 4 con đường: Đường tầu bay( bây giờ là đường Trường Chinh) đường Láng, phố Tây Sơn và đầu Quốc lộ 6 đi Hà Đông.

Ngã tư rộng rãi là nơi chợ hoa tết tụ họp. Tiếng rao bán, tiếng mặc cả, tiếng ồn ào của 4 dòng xe ô tô, xe máy, xe đạp từ bốn phía dội về. Tiếng pháo tép của trẻ con đốt khắp vỉa hè đì đùng, các hàng quán ven đường bán cây nêu, chuông nhỏ, câu đối tết, vàng hương, nến, pháo tết các loại... tiếng nhạc của ban nhạc Boney " Chúc mừng năm mới" rộn ràng phấn chấn giục mùa xuân về.

dt2bsd-1706669469.jpg

Đào Tết. Ảnh sưu tầm trên mạng.

Từng tốp xe đạp chở đầy hoa Violet tím nhạt, hoa cẩm chướng đỏ vàng, hoa bướm, hoa thược dược vàng đỏ, trắng. Hoa đồng tiền đỏ chói, hoa hồng đỏ tươi, hoa cúc vàng và nhiều loại hoa khác nhau được người dân làng hoa đèo đến chợ hoa Ngã Tư Sở. Chắc hoa mới cắt lúc chiều, tối nên rất tươi.

Mưa phùn lây dây làm các bông hoa như ngậm sương đêm, càng tôn vẻ đẹp của các loại hoa, đào, quất...

dt3hn-1706669547.jpg

Vợ chồng tác giả Tết Giáp Tý (1984).

Quất Nghi Tàm, Quảng Bá xếp thành dãy trên vỉa hè, sát mép đường làm con đường đã bé nay chật cứng, tắc nghẹt. Mấy anh công an mỏi mồm vì tuýt còi, hướng dẫn giao thông.

Tiếng một cô gái:

- Cây quất này bao nhiêu tiền hả bác?

- Cây này xin cô 50 đồng.

- Đắt thế bác? Bán cho cháu 30 đồng nhé!

Bác bán hoa nhẹ nhàng:

- Cháu nhìn xem. Đây là cây quất tứ quý. Nó là hình ảnh một gia đình đông đúc, đầm ấm hạnh phúc. Này nhé! Những nụ, những hoa là con cháu, gái trai. Quả xanh là các cô con gái, cậu con trai tràn đầy nghị lực. Quả chín xanh đỏ là cha mẹ. Quả to nây đều, vàng thẫm, bóng vàng như thế này là ông bà. Quả thật, cây quất với hoa trắng, lá xanh quả xanh, quả vàng cùng mùi hoa quất tỏa hương thơm ngào ngạt làm cây thêm giá trị. Cô gái nghe xong, tủm tỉm cười rồi nhẹ nhàng:

- Dạ cháu lấy cây này.

Ngày xưa chợ hoa bắt đầu từ 23 Tết (ngày ông công ông táo lên trời). Chợ đông vui nhộn nhịp nhất là ngày 29, 30 Tết và kéo dài đến tận Giao thừa.

Trên phố, chợ hoa bán qua giao thừa. Người đi đón giao thừa, xem bắn pháo hoa ở Bờ Hồ mang cả cành đào đi đón giao thừa. Cơ man nào là hoa. Hoa đào bích là chủ yếu. Số ít là đào phai cánh hồng tươi dịu. Đào bích hay bích đào là loại hoa bông to, nhiều cánh, mang màu đỏ thẫm. Loại đào này chủ yếu trồng ở cánh đồng Nhật Tân. Đào Nhật Tân nổi tiếng cả nước và đã đi vào tiềm thức của người dân Hà Nội. Dù đi xa người Hà Nội đều nhớ về tết quê hương và cây đào Nhật Tân.

Chợ hoa ngày 30 đông và vui nhất. Trên phố có chợ hoa Hàng Lược to nhất thành phố. Chợ hoa Văn Miếu. Chợ hoa Cửa Nam, chợ hoa Ngã Tư Sở ... và chợ hoa ngay dọc đường đê, vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng.

Đào cành loại nhỏ 10 đến 15 đồng. Loại to từ 30 đến 50 đồng. Cành đào dáng đẹp, nây tròn đều như cái nơm, nhiều nụ chúm chím thì có giá từ 100 đến vài trăm đồng một cành. Đào cây thì đắt hơn. Cây đào thế có thể lên tới vài trăm đồng.

Một người đàn ông đang chăm chú xem một cành đào. Cành đào chi chít nụ, nụ còn xanh, nụ đã hé chút hồng, nụ đã khoe vài cánh và những bông hoa đỏ tươi. Cành đào chụm như cái lồng bàn để ngửa, tạo cảm giác của sự đầm ấm xum họp. Ông xoay bên nọ, xoay bên kia ngắm nghía, đánh giá cân nhắc. Ông đặt cành một chỗ rồi lùi xa ngắm. Chắc vừa lòng. Ông gật đầu hỏi người bán:

- Cành này cháu bán bao nhiêu?

- 300đ bác ạ!

- Đắt quá! Bác trả 150đ. Đồng ý thì bác lấy luôn. Cô bán đào nhìn dáng người mua: " Một người đàn ông đứng tuổi lịch lãm trong chiếc áo da nâu đánh xi bóng, chiếc mũ bê rê cùng màu, lưỡi đội hơi thấp xuống trán. Chiếc khăn pula màu ghi sáng cuộn gọn gàng ôm lấy cổ. Cô thầm nghĩ " đại gia đây" Cô hét giá 300đ bụng thầm:

- Chả bõ bèn gì với ông ta, thế nào ông ấy cũng mua.

Người đàn ông trả 150đ. Thấy cô gái lưỡng lự, ông xoay người định đi. Cô gái nói vội theo:

- Thôi cháu lấy rẻ bác 200đ. Người đàn ông chạm rãi: 180 đ cháu bán thì bác lấy. Bằng không bác đi hàng khác. Cô gái bán hoa đồng ý. Người đàn ông vác cành bích đào lên vai, thong thả đi trong cái lạnh cuối đông và tiếng pháo nổ đì đùng. Dựng cổ chiếc áo da lên ông nghĩ: " Mùa xuân đã về"!

Đơn vị tôi là đoàn xe vận tải với gần trăm xe sơ mi rơ móc, xe Zin 130, Zin 157 Krag 255, Kamaz đóng ở Ngã ba Nhật Tân. Xung quanh là vườn đào của dân các làng Nhật Tân, Phú Thượng, chạy mênh mông đến tận chân cầu Thăng Long. Doanh trại quân đội vốn nhiều đất vì thời đánh Mỹ là trận địa Pháo phòng không của Sư 361 Hà Nội. Trong doanh trại còn mấy cái ao to hình tròn vết tích của hố bom xưa, nay là ao cá. Đằng sau dãy nhà xe là cả một cách đồng đơn vị dùng để tăng gia. Thời cơ chế thị trường các gia đình nông dân Làng Nhật Tân ít đất nên vào ký hợp đồng thuê đất của đơn vị.

Chiều 28 Tết, đơn vị mổ lợn liên hoan rồi chia thịt cho cán bộ, chiến sỹ. Sau bữa liên hoan trưa, buổi chiều những chiếc xe đạp đầy hàng hóa quà bánh của các sỹ quan chuyên nghiệp tỏa ra bốn phía về quê ăn tết. Họ là những lái xe, đã từng đi khắp đất nước nhưng tết thì tự đạp xe hai bánh về nhà. Đằng sau xe đạp còn có cả cành đào Nhật Tân.

Người thuê đất trả công hàng năm thuê bằng những cành đào. Mỗi đơn vị được 2 cành. Một cành cắm ở phòng đại đội để đón xuân. Một cành người trồng đào biếu thủ trưởng đơn vị. Tôi là trạm trưởng trạm sửa chữa nghiễm nhiên được một cành. Chiều 29 tết mang cành đào và tiêu chuẩn tết về nhà. Tôi được ở nhà ngày 29, 30. Sáng mùng một vào đơn vị trực thay cho anh trạm phó. Nhà tôi bé lắm có 12m2 mà cành đào được biếu thì to quá. Nó tròn đều như cái nơm để ngược. Nụ sắp nở rất nhiều. Thằng em đồng hao bảo:

- Cành đào đẹp quá! Cành này ngoài chợ phải 200đ đến 300đ. Tôi ngạc nhiên" - Thật à"? Nó gật đầu xác nhận và bảo:

- Hay anh em mình mang ra chợ bán rồi lấy tiền mua cành nhỏ hơn cho hợp với phòng nhà anh?

Tôi thấy em nói có lý nên đồng ý ngay. Hai anh em mang cành đào ra chợ Ngã Tư Sở. Đã 9 giờ tối nhưng chợ hoa vẫn đông vui nhộn nhịp. Thấy cành đào đẹp, rất nhiều người hỏi mua. Em tôi nói 250 đ. Người chê đắt, người khen đẹp. Cuối cùng chúng tôi bán được 200đ. Hơn 2 tháng lương thượng úy của tôi. Tôi vui quá, mua một cành đào đẹp, nhỏ tẹo có 20đ và mua hai bó violet, kèm thược dược, một chục lay dơn. Đưa cậu em đồng hao một bó. Chúng tôi lai nhau về. Tiện thể làm bát phở gà nóng hổi ở hàng phở đầu phố Tây Sơn gần đó.

Cái tết Giáp Tý 1984 thật vui và ấm cúng, hạnh phúc với tôi. Với cành đào bán được tôi mua quà cho vợ, cho cô con gái mới dăm tháng tuổi.

Bây giờ chợ hoa chỉ họp hết sáng 30 Tết.

Đã 40 năm trôi qua, kỷ niệm về Chợ hoa tết còn đọng mãi trong tôi - Chợ hoa tết Giáp Tý Ngã Tư Sở.

T.H.Q