Vĩnh Phúc: Không để người lang thang, người khuyết tật xin tiền tại các điểm nút giao thông

Duca
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các địa phương rà soát, tổ chức thu dung người lang thang, người hát rong xin tiền trên địa bàn tỉnh.

an-xin-1712116443.jpg

Người đàn ông tàn tật di chuyển bằng xe tự chế để xin tiền tại khu vực chợ Định Trung, TP Vĩnh Yên vào tháng 12/2023. Ảnh: Bạch Nga

Theo thông tin từ Sở Lao động- TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay tại một địa điểm trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng người lang thang, người khuyết tật lợi dụng bán hàng, hát rong, đưa trẻ em đi cùng để xin tiền người đi đường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của trẻ em, người khuyết tật, ảnh hưởng đến mỹ quan, văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội. Đáng lưu ý là các điểm: Khu vực đèn đỏ tiếp giáp xã Đạo Đức (Bình Xuyên); Khu vực tín hiệu giao thông đường sắt giữa Phường Liên Bảo và Phường Ngô Quyền; Khu vực đèn tín hiệu giao thông trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc (Phường Liên Bảo); Khu vực đèn tín hiệu giao thông tại khu đô thị Nam Đầm Vạc (Xã Thanh Trù) và một số tuyến phố thuộc phường Ngô Quyền, phường Đống Đa (Vĩnh Yên); khu vực đèn tín hiệu giao thông tại xã Kim Long (Tam Dương)…

Trước thực tế đó, để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, 2/4/2024 Sở Lao động- TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 993/LĐTBXH-BTXHTE về việc rà soát, tổ chức thu gom người lang thang, người hát rong xin tiền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc chăm lo đời sống của các đối tượng Bảo trợ xã hội; chủ động rà soát đối tượng đã từng đi lang thang, xin ăn, hoặc đối tượng có biểu hiện tổ chức cho các đối tượng đi lang thang xin ăn; tuyên truyền, vận động, có biện pháp giáo dục, ngăn chặn không để đối tượng đi lang thang xin ăn; đồng thời, lập hồ sơ quản lý đối với những đối tượng Bảo trợ xã hội đi lang thang để có biện pháp thống nhất quản lý.

Sở Lao động- TB&XH lưu ý, đối với thành phố Vĩnh Yên, nơi xuất hiện một số điểm có người lang thang, người khuyết tật bán hàng, hát rong, đưa trẻ em đi cùng để xin tiền người đi đường, chính quyền thành phố cần tăng cường các biện pháp chỉ đạo hữu hiệu để từng bước khắc phục triệt để tình trạng này; trong đó, lưu ý đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thành phố, người tham gia giao thông, nhất là chủ các nhà hàng, quán ăn, nhà trọ không cho tiền người lang thang đi xin; Cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho các đội công tác viên CTXH, chủ nhà hàng, quán ăn, người dân, người tham gia giao thông để phối hợp cung cấp thông tin khi phát hiện, tiếp cận đối tượng lang thang, ăn xin; Thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý nhân khẩu đối với các đối tượng từ nơi khác đến cư trú tại các nhà trọ; kiểm tra, rà soát tại điểm nút giao thông, chợ, bến xe, nhà trọ, nếu phát hiện được đối tượng, thì thông báo kịp thời cho Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Phúc biết, để phối hợp thu gom, phân loại trả về địa phương (nơi đối tượng cư trú để quản lý), hoặc chuyển đối tượng vào các cơ sở Bảo trợ xã hội của tỉnh để quản lý, chăm sóc.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng được Sở Lao động- TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Nuôi dưỡng Phục hồi chức năng người tâm thần lập hồ sơ tiếp nhận, quản lý từng trường hợp người tâm thần để tham mưu trong công tác ngăn ngừa, tiếp nhận và hạn chế tái diễn tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên; Phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đối với các đối tượng thường xuyên đi lang thang xin ăn, người khuyết tật lợi dụng bán hàng rong để xin tiền.