Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)

Duca
Kỳ 2: Vai trò của tự quản trong cộng đồng xã hội và một số giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của tự quản trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam TCCS - Thực tiễn cho thấy, khuôn khổ pháp lý thừa nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động đa dạng của các hình thức tự quản cộng đồng, cũng như cơ chế và hình thức quản lý tự quản phù hợp với đặc điểm của tổ chức tự quản cộng đồng đã khẳng định vai trò tích cực của các tổ chức tự quản cộng đồng trong xã hội.
Ban Chủ nhiệm tổ công nhân tự quản tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân tại khu nhà trọ  ở phường Thới An, quân 12, Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: plo.vn

Vai trò tích cực của tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Triển khai chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển các tổ chức tự quản trong cộng đồng, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trên các địa bàn tỉnh, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố thành lập các mô hình và tổ tự quản. Đến nay, các tổ chức tự quản trong cộng đồng cho thấy vai trò tích cực đối với xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trên những nội dung sau:

Một là, tự quản trong cộng đồng phát triển hết sức đa dạng và phong phú về hình thức, quy mô, trình độ tổ chức, lĩnh vực hoạt động… Theo đó, phạm vi thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của người dân được mở rộng, phát huy được quyền làm chủ của người dân.

Ở Việt Nam hiện nay, các hình thức tự quản phát triển hết sức đa dạng, phong phú… Thống kê của các địa phương cho thấy, toàn quốc có 637.534 mô hình tự quản tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực về xây dựng phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, quản lý và xây dựng hạ tầng ở cộng đồng dân cư(1). Những hoạt động của các tổ chức, mô hình tự quản được đánh giá đã phát huy sự sáng tạo trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, duy trì nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các tổ chức tự quản trong cộng đồng được thành lập trên chính địa bàn, xuất phát từ nhu cầu của khu dân cư, thông qua đó người dân thể hiện quan điểm, quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề của địa phương, cộng đồng một cách trực tiếp và tự chịu trách nhiệm về các vấn đề đó. Việc đa dạng hóa hình thức và phạm vi của các tổ chức tự quản đã mở rộng không gian để người dân thực hiện các quyền dân chủ; đồng thời khuyến khích, tăng cường sự tham gia của mọi người dân, bao gồm cả các đồng bào thiểu số và những người yếu thế, vào hoạt động quản lý và phát triển cộng đồng xã hội, thực hiện bình đẳng xã hội.

Hai là, tự quản trong cộng đồng xã hội có vai trò bổ sung cho quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở Việt Nam.

Tự quản xã hội là cầu nối giữa người dân và chính quyền. Thông qua các tổ chức tự quản, chủ trương, đường lối của Đảng và các kế hoạch, chương trình triển khai các chính sách tại địa phương được tuyên truyền đến người dân; giúp huy động nguồn lực của nhân dân vào giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, giảm gánh nặng cho chính quyền nhà nước.

Tại Thái Nguyên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng được 407 mô hình tự quản cấp phường, xã. Những mô hình tự quản tập trung ở tất cả các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, lĩnh vực an ninh, trật tự có các mô hình: “Cổng trường an toàn về giao thông, trật tự”; “Tổ tự quản về phòng chống tội phạm”; “Tổ tự quản phòng chống tội phạm về ma túy”... Lĩnh vực về môi trường có mô hình “Cộng đồng tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều khu dân cư đã xây dựng mô hình “Điểm nhóm bình yên, gia đình hạnh phúc” ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (huyện Võ Nhai); “Hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền” của phường Thắng Lợi (thành phố Sông Công); “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu, tiếng hát Soọng Cô” ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ); “Khu dân cư sống tốt đời, đẹp đạo và xây dựng gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, học giỏi” tại xóm Trại, xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình)(2)...

Thông qua các hoạt động xây dựng đường giao thông, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh…, nhiều tổ chức tự quản ở thôn, tổ dân phố vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông, đóng góp ngày công lao động tham gia vào các hoạt động xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo dựng cảnh quan đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Các tổ chức tự quản trong cộng đồng cũng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện mục tiêu chung thông qua cung cấp thông tin, trợ giúp vật chất, phương tiện kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực, tài chính với chính quyền địa phương và ngược lại, giúp chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành. Chẳng hạn, các tổ chức tự quản tại cộng đồng cùng với chính quyền cơ sở bình chọn hộ nghèo, rà soát đối tượng chính sách cần giúp đỡ, thực hiện quyên góp các nguồn lực hỗ trợ các đối tượng khó khăn, yếu thế…

Ba là, tự quản trong cộng đồng xã hội cho phép đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của các cộng đồng dân cư khác nhau như sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao; các hiệp hội nghề nghiệp; tổ chức tự quản cùng nhau làm kinh tế,… mà quản lý nhà nước không thể bao quát được.

Mục đích xây dựng mô hình tự quản nhằm đáp ứng nhu cầu lợi ích nào đó của chủ thể, bằng việc tự mình giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ kinh tế (giúp nhau làm ăn) đến văn hóa (các hình thức sinh hoạt cộng đồng về tinh thần lành mạnh và giữ gìn giá trị truyền thống), xã hội (bảo vệ an ninh, trật tự, môi trường)... Với sự đa dạng về hình thức và lĩnh vực hoạt động như các chương trình an sinh xã hội, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; công tác dân số kế hoạch hóa - gia đình; xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp; thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo nhằm giúp đỡ gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trong cuộc sống...; tự quản trong cộng đồng đã đáp ứng nhu cầu hết sức đa dạng, phong phú của dân cư, phát huy vai trò tự chủ, chủ động của người dân trong việc tổ chức các hình thức sinh hoạt cộng đồng để thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Bởi người dân trong cộng đồng là người hiểu rõ nhất về cộng đồng của họ; biết rõ các khó khăn, thách thức, mong muốn của cá nhân và cộng đồng; từ đó chủ động, tích cực với các hoạt động của cộng đồng, lựa tìm giải pháp huy động, gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau cùng hợp tác, chia sẻ nguồn lực giải quyết những vấn đề khó khăn chung, nhu cầu chung, hướng đến mục tiêu chung, cùng chịu trách nhiệm về kết quả các hoạt động. Điều này cho phép họ tổ chức được hình thức phù hợp, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cá nhân và cộng đồng; trong khi một cá nhân riêng lẻ, hay một tổ chức không thể tự giải quyết được, thậm chí không cơ quan nhà nước nào có thể giải quyết tốt hơn.

Bốn là, tổ chức tự quản trong cộng đồng xã hội góp phần tạo nên sự đồng thuận, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với nguyên tắc hoạt động dân chủ, công khai, minh bạch, tự quản trong cộng đồng xã hội cung cấp một thiết chế bình đẳng cho tất cả mọi người. Không phân biệt giàu, nghèo, địa vị, nghề nghiệp..., mọi thành viên đều có tiếng nói bình đẳng trong tổ chức tự quản, đều được bày tỏ ý kiến và đều có ảnh hưởng như nhau trong giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng. Điều đó khuyến khích người dân, đặc biệt là những người yếu thế, người nghèo tham gia, bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, cùng nhau bàn bạc đi đến thống nhất ý kiến, giúp các cộng đồng đạt được sự đồng thuận, công bằng và bình đẳng, góp phần xây dựng sự tin tưởng, thái độ tích cực của người dân vào tổ chức.

Theo đó: (i) Các tổ chức tự quản góp phần giải quyết mâu thuẫn tại cơ sở. Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 2.089 tổ hòa giải với 11.708 hòa giải viên, các tổ hòa giải hoạt động tốt, tham gia hòa giải thành công trên 90% số vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ xảy ra ở cộng đồng dân cư(3). Tình cảm của các gia đình trong khu phố, thôn được gần gũi, gắn bó; tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau được phát huy, hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng; góp phần tích cực thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

(ii) Các tổ chức tự quản trong cộng đồng là kênh đối thoại giữa người dân với chính quyền. Thông qua các cuộc đối thoại, người dân có cơ hội bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, tham gia vào đánh giá, nhận xét tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức chính quyền các cấp… Qua đó, chính quyền các cấp hiểu rõ nhu cầu của nhân dân, có những điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, người dân cũng được nghe chính quyền các cấp giải trình, tuyên truyền, vận động thực hiện theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền, vừa tạo ra sự ổn định xã hội, vừa cho phép triển khai các chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật một cách thuận lợi và nhanh chóng. Thực tế cho thấy, ở Tây Nguyên, các mô hình tự quản không thuần túy phục vụ nhu cầu lợi ích của một nhóm người, nhóm hộ gia đình ở một khu dân cư cụ thể, mà còn đảm đương vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền và Mặt trận phát động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội(4).

Năm là, nâng cao trách nhiệm xã hội và năng lực làm chủ của người dân.

Việc tham gia các hoạt động tự quản có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức công dân ở khu dân cư, thay đổi hành vi, thói quen theo hướng tích cực. Các hoạt động tự quản trong cộng đồng giúp người dân tự rèn luyện, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm với hoạt động của chính mình. Tham gia vào hoạt động tự quản, người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, khuôn khổ pháp lý, các hình thức thực hiện quyền làm chủ, cũng như đặc điểm và hiệu quả của từng hình thức. Từ đó, tự quản trong cộng đồng xã hội tác động đến ý thức, trách nhiệm sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực, tự giác tham gia phong trào, các cuộc vận động của các tầng lớp nhân dân. Điều này, một mặt phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân; mặt khác, vừa tránh được xung đột xã hội, đặc biệt là xung đột lợi ích hay pháp lý giữa hoạt động của các tổ chức của người dân với vai trò quản lý của Nhà nước. Tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng, người nhân nhận thức rõ hơn mối liên hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung của cộng đồng xã hội, mở rộng tầm tư duy của họ, hướng tới lợi ích chung, tổng thể của xã hội, trong đó có lợi ích của bản thân họ.

Các tổ tự quản trong cộng đồng cũng là một kênh để giám sát chính quyền, giúp chính quyền hoạt động minh bạch và hiệu quả, qua đó nâng cao năng lực làm chủ của người dân. Cùng với tổ tự quản, các địa phương đều thành lập, duy trì hoạt động ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ hiện có 31 ban thanh tra nhân dân, trong 5 năm qua thực hiện giám sát được 463 vụ, việc, trong đó đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét 175 vụ việc. Tỉnh Bình Thuận có 127 ban thanh tra nhân dân, tiến hành giám sát 530 cuộc, kiến nghị xử lý 109 vụ việc, giám sát 468 công trình dân sinh, giao thông nội đồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm(5).

Tổ tự quản bảo vệ môi trường chăm sóc hoa, vệ sinh khuôn viên Nhà văn hóa thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang_Nguồn: daidoanket.vn

Một số hạn chế và giải pháp phát huy vai trò tích cực của hoạt động tự quản trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam

Bên cạnh những mặt tích cực, tự quản trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam cũng còn bộc lộ một số điểm hạn chế:

Thứ nhất, tự quản trong cộng đồng nhiều khi còn mang tính hình thức. Có những mô hình tự quản được thành lập theo phong trào vận động của chính quyền nhà nước và Mặt trận Tổ quốc các cấp, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Do vậy, khi phong trào còn sôi nổi, nhận được kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, thì còn có nhiều hoạt động; nhưng khi phong trào lắng xuống, nguồn hỗ trợ không còn, thì tổ chức tự quản chỉ tồn tại về hình thức, triển khai rất ít hoạt động chung của cộng đồng.

Thứ hai, mặc dù các hình thức tham gia tự quản xã hội rất phong phú, nhưng ở nhiều nơi, người dân tham gia còn khá thụ động, hiệu quả tự quản còn chưa tương xứng với kỳ vọng của chính quyền và người dân. Trong khi đó, một số mô hình tự quản còn chồng chéo về nội dung, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động không có kế hoạch, chưa có sức lan tỏa, sức hút đối với nhân dân tham gia…(6). Ý thức tham gia các hoạt động chung của cộng đồng của người dân chưa cao.

Thứ ba, một số mô hình tự quản hoạt động mang tính tự phát, người dân tham gia thiếu hiểu biết về luật pháp và dân chủ, nên có thể bị lực lượng phản động lợi dụng để kích động chống phá chính quyền, đặc biệt là các hình thức tự quản trong cộng đồng ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trên là do: (i) Trong triển khai thực hiện, có những nơi, có những thời điểm, tổ chức tự quản cộng đồng chưa để cho người dân nhận thấy được lợi ích của việc tham gia các hình thức tự quản; (ii) Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến việc phát huy vai trò tích cực của tự quản trong mỗi cộng đồng dân cư; (iii) Nguồn kinh phí hoạt động của các tổ chức tự quản chủ yếu dựa trên sự đóng góp của các thành viên, chưa có cơ chế tạo nguồn lực và cơ chế quản lý tài chính cho các tổ chức tự quản, thôn và tổ dân phố không có tư cách pháp nhân để có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nguồn thu. Nguồn kinh phí hạn hẹp cũng dẫn đến các hoạt động của tổ chức tự quản trong cộng đồng bị hạn chế. Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động, một số hình thức tự quản nhận tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước,… có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc tự quản, tự quyết vì lợi ích chung của cộng đồng tổ chức tự quản.

Về mặt khuôn khổ pháp lý, mức độ thừa nhận pháp lý cho sự hoạt động của các tổ chức tự quản khá thấp. Vấn đề này mới chỉ dừng lại ở Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, nghị định, thông tư hướng dẫn (trước năm 2023); đến năm 2023, Luật Dân chủ cơ sở mới có hiệu lực, nhưng cũng chỉ quy định nội dung, phạm vi, hiệu lực pháp luật của hoạt động tự quản xã hội. Khuôn khổ pháp lý cho sự hoạt động của hội mới chỉ dừng lại ở cấp Nghị định số 126/2024/NĐ-CP, ngày 8-10-2024, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội,…

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong cộng đồng, việc phát triển các hình thức tự quản trong cộng đồng thời gian tới cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, thực hiện tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của người dân, cấp ủy đảng và Mặt trận Tổ quốc các cấp về tự quản trong cộng đồng. Cần nhận thức rõ tự quản trong cộng đồng là hình thức thực hiện quyền làm chủ của người dân không thể thiếu trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Không chỉ là hình thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức tự quản trong cộng đồng còn huy động sức mạnh của nhân dân tham gia vào công việc quản lý xã hội và là cơ sở để duy trì ổn định, trật tự xã hội. Do đó, cần phát triển các hình thức tự quản đa dạng, phong phú, để phát huy quyền làm chủ cũng như trách nhiệm xã hội của mỗi người dân; phát huy vai trò tích cực của người dân tham gia vào các hoạt động tự quản vì lợi ích của bản thân và lợi ích chung của cộng đồng.

Hai là, xây dựng những mô hình tự quản thiết thực, phù hợp với điều kiện, lợi ích và xuất phát từ nhu cầu của chính cộng đồng đó. Tự quản chỉ thể hiện sức sống và vai trò khi nó xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng, hướng tới thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng đó. Vì vậy, không nên phát triển các tổ chức tự quản theo phong trào, không thành lập tràn lan các hình thức tự quản; cần chú trọng đến vai trò, chất lượng hoạt động của tổ chức tự quản để mỗi cộng đồng tự lựa chọn xây dựng hình thức tự quản phù hợp.

Ba là, nâng cao năng lực tự quản cho các tổ chức tự quản ở khu dân cư. Để nhân dân là chủ, trước hết nhân dân phải có năng lực làm chủ, vì vậy, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tự quản của người dân có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả của tự quản. Theo đó, cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho trưởng thôn, ấp, làng, bản, tổ dân phố và đông đảo người dân những kiến thức cơ bản về pháp luật, về quản lý hành chính nhà nước có liên quan đến hoạt động khu dân cư, nhất là những phương pháp và kỹ năng hoạt động của những người có trách nhiệm vận động quần chúng (kỹ năng điều hành cuộc họp, kỹ năng hòa giải, kỹ năng vận động thuyết phục...). Đồng thời, tích cực nâng cao khả năng quản lý, điều hành một cách linh hoạt và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tự quản.

Bốn là, triệt để thực hiện và kiểm tra thực hiện nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của các tổ chức tự quản nhằm phát huy vai trò tích cực của dân chủ, chống lại các hoạt động vi phạm dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ trong các tổ chức tự quản; phát huy vai trò của cấp ủy và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc giám sát thực hiện nguyên tắc dân chủ trong các tổ chức tự quản. Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện các mô hình tự quản, từ đó lựa chọn các mô hình tiêu biểu để nhân rộng, tạo sức lan tỏa của các mô hình tự quản hiệu quả. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khen thưởng, biểu dương các mô hình, tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện các mô hình tự quản.

Năm là, tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho sự hoạt động của tự quản xã hội. Mở rộng tự quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà cần được giám sát kịp thời bằng pháp luật. Thiết lập khuôn khổ pháp luật quản lý các hình thức tự quản trong cộng đồng một cách phù hợp, không hạn chế quyền làm chủ của người dân, nhưng không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các hình thức này để chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu và ban hành những văn bản pháp lý về tự quản, không chỉ giúp tự quản đi đúng hướng mà còn bảo đảm cho tự quản thực sự có chỗ đứng trong công tác quản lý xã hội, trở thành một bộ phận của hệ thống quản lý xã hội, phát huy hết tiềm năng vốn có, đồng thời tránh được sự chồng lấn giữa hoạt động tự quản với công tác quản lý của chính quyền địa phương ở cấp cơ sở; cũng như đặt nền tảng pháp lý cho việc kiểm tra, giám sát, điều chỉnh của Nhà nước đối với hoạt động tự quản ở các mức độ và hình thức khác nhau./.

-------------------------------

(1), (6) Xem: Nam Khánh: “Các mô hình tự quản phải trở thành phong trào tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 19-11-2019, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/cac-mo-hinh-tu-quan-phai-tro-thanh-phong-trao-tu-nguyen-tu-giac-tu-chiu-trach-nhiem-543208.html
(2) Xem: Phương Nguyên: “Hiệu quả mô hình tự quản ở khu dân cư”, Báo Đại đoàn kết, ngày 4-6-2023, https://daidoanket.vn/hieu-qua-mo-hinh-tu-quan-o-khu-dan-cu-10253172.html
(3) Xem: Dương Liễu: “Nhân rộng mô hình tự quản hiệu quả trong cộng đồng dân cư”, Báo Hòa Bình điện tử, ngày 22-3-2022, https://www.baohoabinh.com.vn/274/164047/Nhan-rong-mo-hinh-tu-quan-hieu-qua-tr111ng-cong-dong-dan-cu.htm
(4) Xem: Trương Thị Bạch Yến: “Một số nội dung về xây dựng và hoạt động của mô hình tự quản cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên”, Tạp chí Mặt trận, ngày 12-4-2023, https://tapchimattran.vn/thuc-tien/mot-so-noi-dung-ve-xay-dung-va-hoat-dong-cua-mo-hinh-tu-quan-cong-dong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-cac-tinh-tay-nguyen-52070.html
(5) Xem: Phan Khuyên: “Thực tiễn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hiện nay và giải pháp hoàn thiện”, Tạp chí Công Thương, ngày 29-3-2022, https://tapchicongthuong.vn/thuc-tien-hoat-dong-cua-ban-thanh-tra-nhan-dan-hien-nay-va-giai-phap-hoan-thien-87769.htm