Đến thời điểm này (21/9/2023), Vĩnh Phúc đã có 6/28 làng xây dựng xong, đưa vào hoạt động 6 khu thiết chế văn hoá kiểu mẫu gồm các hạng mục chủ yếu như Nhà văn hóa, sân bãi, Khu thể dục thể thao, Khu vườn dạo, vườn hoa cây xanh; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ ô tô… Mức đầu tư xây dựng mỗi khu khu thiết chế làng văn hoá kiểu mẫu 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, ngân sách huyện 5 tỷ đồng cùng với sự đóng góp của nhân dân các làng. Còn 22 khu thiết chế “Làng văn hoá kiểu mẫu” đợt đầu của Vĩnh Phúc sẽ khánh thành, đi vào hoạt động cuối tháng 10/2023.
Một số bạn đọc đã phản ánh: Trên phông pa nô khánh thành Làng Văn hoá kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc ghi “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân” (Vĩnh Tường); “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Thôn Chợ Nội, xã Tam Hợp” (Bình Xuyên)…
Thực tế nêu trên làm cho không ít bạn đọc băn khoăn, trăn trở? Bởi căn cứ vào Đại Từ điển Tiếng Việt của NXB Văn hoá Thông tin xuất bản năm 1999 do Nguyễn Văn Ý làm chủ biên ở trang 975 giải nghĩa chữ Làng như sau: Làng (danh từ): Nơi sinh sống làm ăn lâu đời của nông dân vùng đồng bằng Trung du thường có phạm vi và những đặc trưng riêng biệt.
Ở trang 1584 cũng Đại Từ điển nêu trên giải nghĩa: Thôn (danh từ) Làng, là một phần của xã, gồm có những xóm.
Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Thôn là âm Hán Việt của từ tiếng Hoa 村 (bính âm: cūn), được du nhập vào Việt Nam theo trào lưu Hán hóa và Hán học trước đây. Tại nhiều vùng ở Bắc Bộ không có phân biệt "thôn" - "làng".
Trong phân cấp hành chính Việt Nam hiện nay thì thôn không phải là một đơn vị hành chính nhà nước. Thôn là cấp cơ sở không pháp nhân dưới cấp xã để quản lý dân cư ở vùng sử dụng từ này, và cấp tương đương là khu dân cư hoặc khu phố (ở thành thị) hoặc làng/bản/buôn/sóc/ấp (ở nông thôn) tùy theo vùng.
Chúng tôi đã điện hỏi phóng viên thường trú ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình và trực tiếp đi khảo sát thực tế ở Vĩnh Phúc hỏi các vị cao niên (tiên chỉ) của một số Làng thì đều cho rằng Làng tức là Thôn. Còn lớp thanh nhiên trẻ thường gọi Thôn, ít gọi là Làng. Những vị được dân làng bầu ra những năm gần đây gọi là “Trưởng Thôn”, chứ không gọi là “Trưởng Làng”. Do vậy dần dần lớp trẻ ít gọi là Làng mà quen gọi là Thôn.
Do đó, căn cứ vào Đại Từ điển Tiếng Việt và Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, chúng ta tạm thống nhất khái niệm: Làng tức là Thôn và ngược lại. Trong Làng (thôn) có các Xóm.
Nếu như vậy, trên pa nô ghi “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân" (Vĩnh Tường); “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Thôn Chợ Nội, xã Tam Hợp" (Bình Xuyên) ... xét về tu từ tiếng Việt trong một câu có hai từ trùng nhau (Làng và Thôn). Đã dùng chữ Làng văn hoá kiểu mẫu thì không dùng chữ Thôn, nói cách khác là thừa chữ Thôn. Xin mạn phép biên tập lại hai câu ghi trong pa nô nêu trên bỏ bớt chữ Thôn như sau: “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân" (Vĩnh Tường); “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Chợ Nội, xã Tam Hợp", (Bình Xuyên) thì chuẩn tiếng Việt hơn.
Đối với người Việt, Làng bao giờ cũng gắn liền với Nước. Mỗi khi gặp điều không may hoặc nguy biến bất ngờ, người Việt đều thốt lên “Ối làng nước ơi - Cứu tôi với !”. Làng đã đi sâu vào tâm thức của người Việt.
Qua tìm hiểu được biết, ngày 16/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng “Làng văn hoá kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030. Đây là Nghị quyết tâm huyết và chiến lược của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, coi trọng đầu tư phát triển văn hoá, nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế- xã hội trong thời đại công nghệ 4.0, "hoà nhập nhưng không hoà tan". Trước mắt trong năm 2023, Vĩnh Phúc xây dựng 28 Làng văn hoá kiểu mẫu đợt đầu theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, được nhân dân các làng đồng thuận thực hiện. Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc nghiêm túc rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần nâng cao hưởng thụ đời sống văn hoá của nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững không chỉ ở đô thị mà cả ở các làng xã hiện nay vẫn gần 70% dân số sinh sống.
Triển khai thực hiện chủ trương nói trên của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khoá 17 tại kỳ họp thứ 10 ngày 5/5/2023 đã ban hành hai Nghị quyết số 06 và số 08 Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hoá kiểu mẫu” giai đoạn 2023 – 2030 và Thông qua Đề án xây dựng “Làng văn hoá kiểu mẫu” trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2030.
Các “Làng văn hoá kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc mà Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh này nêu rõ bước đầu phấn đấu đạt 6 đặc trưng cơ bản gồm Cấu trúc không gian, cảnh quan; Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đồng bộ; Môi trung cảnh quan sang, xanh, sach, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
V.X.B