Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới

Duca
TCCS - Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, thế giới liên tục chứng kiến nhiều biến đổi, mâu thuẫn sâu sắc chưa từng có, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của hầu hết quốc gia, khu vực. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc luôn thể hiện rõ quan điểm, phản ứng cũng như phương cách ứng xử trước những diễn biến mới của tình hình thế giới. Đây là gợi mở có thể tham khảo đối với các quốc gia láng giềng.

Quan điểm và cách thức ứng xử của Trung Quốc trước cục diện thế giới mới

Quan điểm, lập trường của Trung Quốc

Trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX (năm 2022), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Sự biến đổi của thế giới, của thời đại và của lịch sử hiện đang diễn ra theo phương thức chưa từng có... Thế giới một lần nữa lại đứng trước ngã ba đường, bước đi ra sao và hướng về đâu là tùy thuộc vào sự chọn lựa của mỗi quốc gia”(1). Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, nhân loại đang ở trong thời đại đầy thách thức, nhưng tràn trề hy vọng và người dân Trung Quốc sẵn sàng chung tay với toàn thế giới xây dựng tương lai sáng đẹp hơn; kêu gọi các nước “giương cao giá trị chung toàn nhân loại: hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do, nâng cao hiểu biết, thúc đẩy lòng tin giữa các nước, tôn trọng tính đa dạng văn hóa trên thế giới” để cùng ứng phó với mọi thách thức mang tính toàn cầu(2). Đây chính là các quan điểm cốt lõi, trở thành kim chỉ nam cho lập trường và cách ứng xử của Trung Quốc trước diễn biến mới của tình hình thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan (Nga), ngày 22-10-2024_Ảnh: THX/TTXVN

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 77 (tháng 9-2022), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá của Trung Quốc về tình hình thế giới: Thế giới đang bước vào thời kỳ biến động mới, mạnh mẽ và nhanh chóng chưa từng thấy, nhưng cũng là thời kỳ “tràn đầy hy vọng”. Thế giới đang phát triển theo xu thế “toàn cầu hóa kinh tế, thông tin hóa xã hội, đa nguyên hóa văn hóa, mối liên hệ và ràng buộc giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc”(3). Để “thích ứng với yêu cầu của thời đại”, Trung Quốc xác định kiên định chủ trương 6 điểm, được coi là cơ sở mang tính nền tảng để Trung Quốc đưa ra quan điểm, lập trường đối với những thay đổi mới của tình hình thế giới (4): 1- Cần hòa bình, không loạn lạc. Hòa bình là tiền đề để có được tương lai tươi đẹp, là nền móng an ninh chung của các quốc gia, loạn lạc sẽ khiến đất nước tụt hậu. 2- Cần phát triển, không nghèo đói. Trung Quốc cho rằng, nên đặt yêu cầu phát triển vào vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm đem lại công bằng hơn cho sự phát triển của mỗi con người và mỗi quốc gia. 3- Cần mở cửa, không đóng cửa. Mở cửa là con đường tất yếu để phồn vinh và tiến bộ; bảo hộ là tự trói buộc và làm hại mình. 4- Cần hợp tác, không đối kháng. Trung Quốc kiên định quan điểm đối thoại thay xung đột, hiệp thương thay cưỡng chế, cùng thắng thay tổng bằng không, chống chính trị tập quyền, phản đối liên minh đối kháng. 5- Cần đoàn kết, không chia rẽ. Hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do là các giá trị chung của nhân loại. Sự khác biệt về chế độ không phải là lý do để chia rẽ, phân liệt hay biệt, không nên chính trị hóa, công cụ hóa, vũ khí hóa vấn đề dân chủ và nhân quyền. 6- Cần công bằng, không cưỡng chế. Trung Quốc khẳng định cần xây dựng mô hình quan hệ quốc tế mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa và hợp tác cùng thắng.

Quan điểm của Trung Quốc về trật tự thế giới và nền quản trị toàn cầu.

Báo cáo Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2022) tái khẳng định, trật tự quốc tế phải được xây dựng dựa trên luật pháp quốc tế và nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Trung Quốc nhấn mạnh, cho dù cục diện thế giới đang có nhiều bất ổn, nhưng không thể ngăn cản được “trào lưu hòa bình, phát triển, hợp tác, cùng đạt được lợi ích”; “Trung Quốc kiên quyết phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối tư duy chiến tranh lạnh, phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và phản đối tiêu chuẩn kép”(5). Đồng thời, Trung Quốc đề cao khuôn khổ quốc tế đa phương, lấy Liên hợp quốc làm hạt nhân, phản đối chủ nghĩa đơn cực. Trung Quốc kêu gọi các nước chung tay xây dựng một mô hình quản trị toàn cầu đa nguyên hơn, phát triển theo hướng công bằng hơn(6). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhấn mạnh, Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại được xây dựng dựa trên nguyên tắc “ba cùng” (cùng bàn thảo, cùng xây dựng, cùng thụ hưởng) là mô hình lý tưởng để các quốc gia “cùng thắng”, để thế giới cùng phồn vinh và ổn định, cũng chính là giải pháp tạo dựng nền quản trị toàn cầu mang lại hiệu quả hơn.

Quan điểm của Trung Quốc đối với các mối đe dọa nền an ninh toàn cầu.

Trung Quốc cho rằng, xung đột, chạy đua vũ trang, khủng hoảng quân sự, tranh chấp lãnh thổ,... đều tiềm ẩn nguy cơ đe dọa nền an ninh toàn cầu. Đồng thời, Trung Quốc cũng nhấn mạnh nguyện vọng và không ngừng thể hiện năng lực đảm nhận vai trò “trung gian hòa giải” nhằm khẳng định hình ảnh “sứ giả hòa bình”.

Quan điểm của Trung Quốc là giải quyết mọi xung đột, mâu thuẫn, khủng hoảng trong quan hệ quốc tế bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và các nguyên tắc chung sống hòa bình của Hiến chương Liên hợp quốc; tiến hành các cuộc đàm phán bình đẳng, không chính trị hóa, không quân sự hóa và không can thiệp công việc nội bộ của nước khác. Trong đó, “Lập trường 12 điểm về giải quyết vấn đề chính trị đối với cuộc khủng hoảng U-crai-na”, do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 24-2-2023 đã thể hiện rõ nét quan điểm của Trung Quốc trong cách xử lý các mối đe dọa an ninh toàn cầu: 1- Tôn trọng chủ quyền các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và thống nhất, không áp dụng “tiêu chuẩn kép”; 2- Xóa bỏ tư duy chiến tranh lạnh, an ninh nước này không thể đánh đổi bằng việc xâm phạm an ninh nước khác, an ninh khu vực không thể được bảo đảm thông qua biện pháp quân sự; 3- Các bên xung đột cần giữ trạng thái cân bằng và kiềm chế, không cố tình, không kích động mâu thuẫn; 4- Đàm phán, đối thoại là con đường duy nhất giải quyết xung đột ở U-crai-na, mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết khủng hoảng này đều cần được khích lệ và ủng hộ; 5- Mọi hành động nhân đạo cần phải tuân theo nguyên tắc trung lập, chính đáng, tránh để chính trị hóa vấn đề nhân đạo; 6- Bảo đảm an ninh của dân thường và tù nhân của cuộc xung đột. Trung Quốc ủng hộ việc trao đổi tù nhân trong xung đột giữa Nga - U-crai-na; 7- Bảo đảm an toàn hạt nhân theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước an toàn hạt nhân; 8- Giảm thiểu rủi ro chiến tranh, phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; 9- Bảo đảm an ninh trong quá trình vận chuyển lương thực theo các điều ước đã ký kết và nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong vấn đề này; 10- Không tiến hành các hành động trừng phạt đơn phương; 11- Bảo đảm sự ổn định của các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, lên án hành vi chính trị hóa, công cụ hóa, vũ khí hóa nền kinh tế thế giới; 12- Xúc tiến các hoạt động tái thiết sau chiến tranh(7).

Quan điểm của Trung Quốc về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các lãnh đạo Trung Quốc coi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để nước này có thể cạnh tranh vươn lên vị trí lãnh đạo hệ thống quốc tế. Từ lâu, Trung Quốc đã sử dụng cụm từ “bắt kịp và vượt qua” để miêu tả về năng lực công nghệ của mình. Nhiều học giả, chuyên gia của Trung Quốc và nước ngoài từng nhận định rằng, khi Trung Quốc vượt qua Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ chấm dứt kỷ nguyên lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rõ: “Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” để hoàn thành mục tiêu trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Vì vậy, Trung Quốc buộc phải “nắm vững những cơ hội mang tính lịch sử của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư”(8). Trung Quốc cho rằng, hình thái, phạm vi, tốc độ và chiều sâu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khác biệt rất nhiều so với ba cuộc cách mạng trước đây. Do vậy, bên cạnh rủi ro về công nghiệp, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng, kỹ thuật, Trung Quốc cũng cần thận trọng với thách thức về hiện đại hóa nền quản trị(9).

Có thể thấy, bên cạnh quan điểm, lập trường truyền thống, Trung Quốc cũng đã đưa ra quan điểm, chủ trương mới nhằm thích ứng với diễn biến mới của tình hình thế giới. Trong đó, Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò và vị thế của Trung Quốc trước xu thế hình thành trật tự thế giới đa cực dưới sự dẫn dắt và điều phối của các siêu cường, mà trong đó Trung Quốc là một chủ thể trung tâm.

Cách thức ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới

Trước mọi diễn biến của tình hình khu vực và thế giới, Trung Quốc luôn khẳng định kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, xây dựng quan hệ với các nước theo nguyên tắc bình đẳng, rộng mở, hợp tác, phát triển, cùng thắng. Trung Quốc nhấn mạnh sẽ luôn “ổn định” để gìn giữ hòa bình, an ninh trong một thế giới đang biến động đa chiều và bất ổn.

Thứ nhất, Trung Quốc đề xuất nhiều sáng kiến có ý nghĩa tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của thế giới. Trong đó đáng chú ý là 4 sáng kiến “xuyên châu lục”, “xuyên thế kỷ”: 1- Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), khởi xướng vào năm 2013. BRI kết nối châu Á - châu Âu - châu Phi bằng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ chế tài chính, hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối người dân. Hơn 10 năm qua, mặc dù đối diện với nhiều thách thức, song sáng kiến này đã tạo ra nhiều cơ hội cho Trung Quốc và các quốc gia “dọc tuyến đường” thông qua các dự án hợp tác lâu dài; 2- Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), được đề xuất vào tháng 9-2021 như một biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; 3- Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), được đưa ra tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (tháng 4-2022). GSI khẳng định nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và từ bỏ “tâm lý chiến tranh lạnh”, xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại và phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương; 4- Sáng kiến Văn minh toàn cầu (CGI), được đề xuất vào tháng 3-2023. CGI kêu gọi các quốc gia tránh áp đặt hệ tư tưởng hoặc giá trị lên các quốc gia khác và tránh đối đầu ý thức hệ.

Thứ hai, Trung Quốc luôn hướng đến việc củng cố và cải thiện quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ. Nhiều năm qua, quan hệ Trung Quốc - Mỹ vẫn rơi vào trạng thái căng thẳng do diễn biến phức tạp từ cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; đại dịch COVID-19 và cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai nước. Tuy nhiên, thông qua các cuộc thăm viếng, gặp gỡ cấp cao, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Trung Quốc vẫn hướng đến việc cải thiện quan hệ với Mỹ theo “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” - tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng(10). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thông qua các phương thức kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giao lưu nhân dân,... để củng cố, cải thiện, nâng cao tầng nấc và hiệu quả các mối quan hệ với những nước lớn khác trên thế giới. Việc Trung Quốc tham gia cuộc gặp ba bên (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) vào tháng 5-2024 đã thể hiện cách ứng xử tích cực nhằm cải thiện quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, hướng tới mục tiêu chung phát triển toàn cầu.

Thứ ba, Trung Quốc triển khai nhiều động thái mang tính tích cực góp phần bảo vệ, duy trì nền hòa bình, an ninh toàn cầu. Đối với các xung đột diễn ra trên thế giới, Trung Quốc không chỉ kêu gọi các nước tiến hành đàm phán, thương lượng hòa bình, mà còn phát huy vai trò hòa giải tương đối tích cực, hiệu quả của mình. Biểu hiện rõ nhất là vai trò của Trung Quốc trong các cuộc xung đột Nga - U-crai-na, xung đột khu vực Trung Đông, căng thẳng tại Biển Đỏ, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên,... Trung Quốc được đánh giá là quốc gia có nhiều đóng góp tích cực trong các cuộc hòa giải xung đột quốc tế. Kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Nga - U-crai-na, Trung Quốc đã nhiều lần được nhắc đến như một trung gian hòa giải tiềm năng, là chủ thể thực tế duy nhất có khả năng được cả hai bên xung đột chấp nhận để điều phối các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai(11).

Có thể thấy, quan điểm và cách ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới hiện nay vẫn luôn hướng tới ba mục tiêu: Bảo đảm an ninh, thúc đẩy phát triển và thực hiện trách nhiệm nước lớn trong các mối quan hệ quốc tế. Thông qua các biện pháp ứng xử và hành động “có chọn lọc”, Trung Quốc mong muốn có những đóng góp quan trọng đối với trật tự cũng như xu thế vận hành của thế giới trong tương lai. Do đó, hầu hết sáng kiến mà Trung Quốc khởi xướng, tiêu biểu như Sáng kiến an ninh toàn cầu, Sáng kiến phát triển toàn cầu đều thể hiện rõ những đóng góp có giá trị của Trung Quốc đối với cục diện hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự Hội nghị cấp cao các doanh nghiệp Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc lần thứ 8 tại Seoul (Hàn Quốc), ngày 27-5-2024_Ảnh: Yonhap/TTXVN

Một số vấn đề đặt ra về phương diện chính sách ngoại giao và ứng xử

Nắm bắt nhanh nhạy, ứng phó hiệu quả với tình hình thế giới hiện nay để gìn giữ hòa bình, ổn định, có lợi cho công cuộc phát triển đất nước và củng cố quan hệ hữu hảo với tất cả các nước là mục tiêu vừa cấp bách, vừa lâu dài của Việt Nam. Do vậy, việc nắm bắt được phản ứng cũng như cách ứng xử của các nước, nhất là các quốc gia láng giềng như Trung Quốc là vấn đề cần được lưu tâm hiện nay.

Thứ nhất, kinh nghiệm ứng phó của Trung Quốc trước diễn biến mới của tình hình thế giới cho thấy sự cần thiết của các vấn đề sau: 1- Dự báo nhanh nhạy mọi động thái mới trong quan hệ quốc tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để Trung Quốc đưa ra đối sách ứng xử kịp thời, thích hợp trước mọi diễn biến của tình hình thế giới; 2- Huy động sức mạnh từ mọi nguồn lực, bằng cách phối hợp đồng bộ các ban, bộ, ngành, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia có khả năng dự báo trên mọi lĩnh vực. Từ đó, kịp thời đề xuất về phương diện chính sách để xử lý hiệu quả các vấn đề cấp bách trong thời gian ngắn hạn. Điều cần nhấn mạnh là, Trung Quốc rất chú trọng và có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hút, trọng dụng giới tri thức tinh hoa trong và ngoài nước; 3- Không ngừng nâng cao trình độ công nghệ hiện đại. Đây cũng là “bước đi thứ ba” trong mục tiêu trở thành “cường quốc hiện đại hóa, trung tâm khoa học kỹ thuật chủ yếu và đỉnh cao sáng tạo của thế giới vào năm 2050” của Trung Quốc. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh lộ trình xây dựng Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSI), lấy khu vực Đông Nam Á là trọng tâm. Điều này đặt ra cơ hội đối với các quốc gia láng giềng để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực tiếp cận công nghệ hiện đại; 4- Kết hợp linh hoạt các phương thức quan hệ quốc tế. Trung Quốc thực hiện chủ trương “xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ, thúc đẩy hợp tác với các nước phát triển, “làm tốt công tác ngoại giao láng giềng”, tăng cường đoàn kết, hợp tác với các nước đang phát triển. Chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại đã giúp Trung Quốc nhanh chóng mở rộng và thắt chặt quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia, góp phần nâng tầm ảnh hưởng và vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế.

Thứ hai khai thác và tranh thủ quan điểm “trách nhiệm nước lớn” của Trung Quốc. Trong mọi phát biểu chính thức, Trung Quốc luôn thể hiện quan điểm xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác công bằng, cùng phát triển và cùng hưởng lợi. Trong tương lai, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên mọi phương diện sẽ vẫn đối mặt với một số khó khăn, khác biệt cần tháo gỡ. Vì vậy, Việt Nam cần tranh thủ tối đa sự trợ giúp cũng như cách ứng xử trên cương vị, trách nhiệm nước lớn của Trung Quốc.

Thứ ba, ủng hộ chính sách “ngoại giao láng giềng” theo phương châm “thân, thành, huệ, dung”(12) của Trung Quốc. Trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì chính sách “ngoại giao láng giềng” chính là một trong những phương thức tạo dựng niềm tin. Việt Nam cần khai thác tối đa những nhân tố có lợi cho mục tiêu phát triển đất nước và thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc và các nước láng giềng, đặc biệt là các nước có truyền thống hữu nghị lâu đời.

Thứ tư, tham gia phù hợp các sáng kiến mang tính toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng. Trung Quốc khẳng định các sáng kiến được đề xuất đều hướng tới mục tiêu an ninh, phát triển và kết nối thế giới. Mục tiêu này được đánh giá sẽ có lợi cho cục diện hòa bình, ổn định trong khu vực, đồng thời tạo ra nhiều không gian hợp tác giữa các nước trên mọi lĩnh vực. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8-2024), lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí tăng cường mở rộng hợp tác kết nối giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”(13). Trong Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (từ ngày 12 đến ngày 14-10-2024), hai bên nhất trí thúc đẩy các nội dung hợp tác phù hợp trong khuôn khổ các sáng kiến lớn Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu(14). Trên cơ sở đánh giá rõ mục đích, nội dung, phương thức hợp tác, Việt Nam sẽ quyết định hoặc lựa chọn phạm vi, hạng mục tham gia.

Thứ năm, cần khai thác triệt để lập trường giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình của Trung Quốc. Trong tất cả văn bản, văn kiện chính thức, Trung Quốc đều khẳng định tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của các quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Trung Quốc cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong mọi tình huống. Thực tế cho thấy, Trung Quốc từng phát huy tương đối tốt vai trò trung gian hòa giải trong nhiều mâu thuẫn quốc tế.

Thế giới đang chứng kiến nhiều biến số và thách thức chưa từng có, đòi hỏi các quốc gia đưa ra những bước đi chuẩn xác, không lạc nhịp. Trung Quốc hiện đã vươn lên khẳng định vị thế một cường quốc có tiếng nói và vai trò mang ý nghĩa quyết định đến sự hình thành trật tự thế giới và nền quản trị toàn cầu mới. Trong các phát biểu và văn kiện chính thức, Trung Quốc luôn thể hiện rõ quan điểm cùng cách thức ứng xử của một nước lớn, với mong muốn xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia. Điều đó sẽ có tác động tích cực đến hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đây là gợi mở đáng suy ngẫm đối với các nước, trước nhu cầu điều chỉnh đường hướng, sách lược phù hợp với bối cảnh mới.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam đã tạo dựng được môi trường và các mối quan hệ quốc tế lành mạnh, rộng mở, đồng thời ứng phó hiệu quả trước các thách thức mới, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Việt Nam luôn phát huy tối đa hiệu quả phương thức ứng xử cân bằng, cởi mở, mềm mại với tất cả các nước, nhất là các nước lớn theo phương châm “luôn phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”(15). Đường lối đối ngoại theo trường phái “ngoại giao cây tre”, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam, với nguyên tắc “không chọn bên”, không bị lôi kéo, phụ thuộc, nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, được coi là lựa chọn chính sách tối ưu của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng phức tạp hiện nay./.

-------------------------------

(1) ,  (2)  习近平:高举中国特色社会主义伟大旗帜  为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗——在中国共产党第二十次全国代表大会上的报告 (Tạm dịch: Tập Cận Bình: Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, cùng nhau xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại  - Báo cáo tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 25-10-2022,  https://www.gov.cn/xinwen/2022-10/25/content_5721685.htm
(3)  王毅阐述中国对当前国际局势的六点主张 (Tạm dịch: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị: Đề xuất 6 điểm của Trung Quốc về tình hình quốc tế hiện nay)
(4)  尚绪谦王毅阐述中国对当前国际局势的六点主张 (Tạm dịch: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị: Đề xuất 6 điểm của Trung Quốc về tình hình quốc tế hiện nay)
(5)习近平:高举中国特色社会主义伟大旗帜  为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗——在中国共产党第二十次全国代表大会上的报告. (Tạm dịch: Tập Cận Bình: Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, cùng nhau xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại - Báo cáo tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 25-10-2022,  https://www.gov.cn/xinwen/2022-10/25/content_5721685.htm
(6) Liu Ruonan, Yang Songpo: “China and the liberal international order: a pragmatic and dynamic approach” (Tạm dịch: Trung Quốc và trật tự quốc tế tự do: một cách tiếp cận thực tế và năng động)
(7)  中國外交部發布《關於政治解決烏克蘭危機的中國立場》(Tạm dịch: Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố “Quan điểm của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng U-crai-na”)
(8)  习近平:  “高举中国特色社会主义伟大旗帜 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗”  (Tập Cận Bình: “Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, cùng nhau xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại”)
(9) 理 查 德 希 特 迈 尔: “第 六 种 现 代 化” (Tạm dịch: Kiểu hiện đại hóa thứ sáu)
(10)  王毅:坚定做动荡世界中的稳定力量(在第60届慕尼黑安全会议“中国专场”上的主旨讲话) (Tạm dịch: Vương Nghị: Kiên quyết là lực lượng ổn định trước thế giới đầy biến động (Bài phát biểu tại Phiên họp Trung Quốc của Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60)
(11) Seiwert Eva: “Why China Is an Unlikely Mediator in the Russia-Ukraine War” (Tạm dịch: Tại sao Trung Quốc không phải là người hòa giải trong cuộc chiến Nga - U-crai-na)
(12) thân thiện, chân thành, cùng có lợi, bao dung
(13) Việt Đức: “Một số kết quả chính của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm”, Báo tin tức Thông tấn xã Việt Nam, ngày 22-8-2024, https://baotintuc.vn/thoi-su/mot-so-ket-qua-chinh-cua-chuyen-tham-cap-nha-nuoc-toi-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-20240822181104108.htm
(14) Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trang điện tử Báo Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 14-10-2024,  https://dangcongsan.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-giua-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-nuoc-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-680590.html
(15) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 152