Không chỉ riêng điện ảnh, các lĩnh vực khác như biểu diễn nghệ thuật, thời trang, xuất bản, quảng cáo... nếu được đầu tư một cách bài bản và tổ chức bán hàng chuyên nghiệp, cũng có thể đem lại doanh thu lớn.
Tuy nhiên, trước triển vọng của các lĩnh vực công nghiệp văn hoá, việc đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế và thương mại để tham gia chuỗi giá trị là vô cùng quan trọng.
PV: Ông nghĩ gì về công nghiệp văn hoá từ quan điểm kinh tế và thương mại?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Khi nhắc đến công nghiệp văn hóa, chúng ta đang nói về quá trình nghiên cứu và phát triển, sản xuất, thử nghiệm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm văn hóa theo chuỗi giá trị. Nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa là nhu cầu đặc biệt, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao, thậm chí rất cao, để thưởng thức. Vì vậy, nó sẽ có một dạng đường cầu khác biệt so với hàng hóa thông thường. Công nghiệp văn hóa là quá trình sáng tạo giá trị liên tục, vô tận và đa dạng. Khi được phát triển dưới góc nhìn công nghiệp, kinh tế và thương mại, nó sẽ tạo ra thị trường phát triển mạnh mẽ. Khi đời sống vật chất được cải thiện và thu nhập tăng cao, nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa càng lớn. Các quốc gia công nghiệp phát triển như Mỹ, Hàn Quốc... đều có ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, mang lại khoản thu nhập “khủng”, siêu lợi nhuận và khuyến khích đội ngũ các nhà sáng tạo văn hóa.
Vì thế, sẽ là thiếu sót nếu không phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, nếu phát triển công nghiệp văn hóa mà thiếu đầu tư bài bản vào sản phẩm chất lượng cao, có thể không đạt được như kỳ vọng.
PV: Để phát triển công nghiệp văn hoá, cần có nhà đầu tư và đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Ông có thể cho biết tố chất cần có của nhà đầu tư và đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp cho các lĩnh vực công nghiệp văn hoá?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng:Nhà đầu tư và nhân viên bán hàng cần có những tố chất quan trọng như nhạy bén với thị trường, nắm bắt kịp thời xu hướng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa của các tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ, có nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa cao, khát khao tìm hiểu, khám phá và sáng tạo. Họ cũng cần có khả năng tổ chức các kênh bán hàng phù hợp. Bên cạnh đó, họ cũng cần biết bảo vệ và khai thác giá trị văn hóa thông minh, sử dụng triệt để năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ, có tư duy đầu tư phù hợp với đặc thù của thị trường và kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, linh hoạt. Quan trọng nhất, họ phải có nghệ thuật làm hài lòng người tiêu dùng một cách khoa học và hiệu quả vì đó là những người sàng lọc khắt khe và trả tiền cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp tồn tại.
Tất nhiên, trong môi trường cạnh tranh thị trường gay gắt, thường xuyên và không chắc chắn, nhà kinh doanh cũng cần chấp nhận một mức độ rủi ro hợp lý để nuôi dưỡng ý chí và bản lĩnh kinh doanh.
PV: Vậy theo ông, các đại học của chúng ta cần làm gì để đào tạo được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp này?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Các cơ sở đào tạo liên quan đến công nghiệp văn hóa cần phân tích, khảo sát và đánh giá nhu cầu thực tế cũng như xu hướng tiêu dùng và nhu cầu sản phẩm trong ngành công nghiệp văn hóa. Điều này giúp họ đầu tư vào việc cập nhật chương trình đào tạo, giáo trình, giáo viên có trình độ cao và phương pháp giảng dạy. Họ cũng cần tích cực học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác và đầu tư vào cơ sở vật chất cũng như mạng lưới kết nối với doanh nghiệp và khách hàng. Công nghiệp văn hóa đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, cần có mô hình đào tạo tinh hoa để tạo ra những sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn và có chiều sâu. Các sản phẩm này không chỉ cung cấp trong nước mà còn phải có khả năng xuất khẩu.
Đối với các trường đại học về kinh tế và thương mại, tham gia chuỗi giá trị của công nghiệp văn hoá là rất quan trọng để đào tạo ra những nhà đầu tư và nhân viên bán hàng chuyên nghiệp. Theo tôi, chính các sinh viên nổi bật trong phong trào văn nghệ của các trường này sẽ là "hạt nhân" cho công nghiệp văn hoá. Các giảng viên cũng cần tham gia nghiên cứu về công nghiệp văn hoá để cùng tham gia vào quá trình này.
PV: Vậy theo ông, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thể tham gia như thế nào với Công nghiệp Văn hoá?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng:Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc nhóm đầu tiên tại Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, nên cần tích cực tham gia vào công nghiệp văn hoá để không lãng phí nguồn lực. Trường đã có các học phần đào tạo về văn hóa doanh nghiệp trong gần 70 năm và đây có thể là nền tảng quan trọng để mở rộng kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Dựa trên sứ mệnh cao cả của trường, khi công nghiệp văn hoá tạo ra giá trị kinh tế lớn như vậy, không có lý do gì để Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không tham gia vào cuộc chơi. Hy vọng trường sẽ tham gia sâu hơn và nhiều hơn vào các hoạt động như nghiên cứu, luận giải và đào tạo nhân lực cho công nghiệp văn hoá.
Mô hình liên kết giữa trường với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các đối tác khác cũng cần được triển khai hợp lý trong tương lai để khai thác "miền giá trị mới" của công nghiệp văn hoá dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc và có hiệu quả.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đức Hoàng
Link nội dung: https://ducanet.vn/cong-nghiep-van-hoa-quan-diem-kinh-te-va-dao-tao-a987.html