Trong nền Văn hóa cổ xưa của người Việt, Rồng hay Long là một linh vật rất được tôn kính. Biểu tượng rồng là biểu tượng của thiên tử, chỉ dành cho vua chúa và hoàng gia. Vì thế mà bất cứ một thứ gì thuộc quyền sở hữu của nhà vua đều có yếu tố "long" như: long nhan là khuôn mặt của vua, long bào là áo của vua mặc, long sàng là giường của vua ngủ, thuyền của vua gọi là long chu hay thuyền rồng, cho đến ý tưởng, suy nghĩ, dự định trong đầu của nhà vua cũng được ngôn ngữ hóa là "long ý"… Ở Việt Nam nơi đâu có cung điện, đền đài, lăng, tẩm… trong kiến trúc đều có yếu tố long (rồng), theo motivhình tượng hóa điển tích như “song long xuất hải”, “Lưỡng long tranh châu", “Lưỡng long triều nguyệt”… Rồng là một con vật không có thật, rồng là kết tinh trí tưởng tượng trong nền văn hóa của người phương Đông cổ xưa. Rồng của phương Đông và rồng của phương Tây khác hẳn nhau. Rồng của phương Tây là một con vật trông rất hung dữ, có cánh và mang hình dáng của một con khủng long bay, phun lửa và thường gieo tai vạ cho con người. Rồng của Phương Đông không có cánh mà bay được, rồng bay lên bằng năng lượng của hạo khí đất trời "Long phi thiên địa khí"; rồng của phương Đông là kết quả của trí tưởng tượng phong phú của người phương Đông với triết luận văn hoá cổ xưa. Đối với người Việt Nam rồng luôn là một biểu tượng linh thiêng; long phi (rồng bay), ngoạ long (rồng nằm), thăng long (rồng bay lên), giáng long (rồng xuống) đều được xem là thiên tượng. Đối với người Việt, dẫu trong hình thế nào rồng vẫn là linh vật mang đến cho con người điềm lành, hạnh phúc và sự thịnh vượng. Dưới góc nhìn triết lý hình thể học và cấu trúc học, con rồng của người Việt là sự kết hợp một hoặc vài bộ phận cơ thể của nhiều linh vật khác nhau: rồng có mũi, trán kỳ lân, bờm sư tử, sừng nai, mắt cá, miệng hổ, mình rắn, chân chim ưng, vẩy cá chép, râu và đuôi tôm… tất cả các bộ phận được phối triển một cách nhuần nhuyễn, hợp lý, cân đối và hài hoà tạo nên một long hình (dáng rồng) uy nghiêm, trầm viễn, hùng dũng và phong thái cao sang, quý phái; rồng bay thanh thoát, rồng nằm đỉnh đạc… oai linh mà không độc ác, trang nhã mà uy nghiêm. Người xưa quan niệm trong nhà có tranh tượng rồng (Long tượng) hay long phù (một mặt rồng chạm nổi) thì chẳng có ma quỷ, ác thú, tà thần nào. dám bén mảng. Chính vì thế mà rồng đã gắn bó với con người và đời sống; rồng được tôn thờ trong tín ngưỡng bái vật và văn hóa tâm linh của người cổ đại, được thần linh hóa trong những huyền thoại, sự tích.
Rồng trong truyền thuyết và ngôn ngữ Việt
Thần thoại con rồng cháu tiên, truyền thuyết về dòng dõi Hồng Bàng; cha Lạc Long Quân là nòi giống Rồng lấy mẹ Âu Cơ là dòng dõi Tiên sinh ra một bọc trăm trứng, nở trăm con; năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo cha xuống biển, xây dựng nên một Nhà nước Văn Lang trải dài từ núi thẳm đến biển sâu. Đó là câu chuyện thần thoại giải thích nguồn gốc ra đời của giống nòi Việt, như một niềm tự hào đã đi theo cùng dân tộc Việt trong nền văn hoá và lịch sử đấu tranh xây dựng đất nước trên bốn ngàn năm. Dân tộc tính của người Việt thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ, Tiếng Việt có rất nhiều thành ngữ, ca dao, tục ngữ về rồng. Rồng thường được hình tượng hóa để so sánh với những con vật khác nhưng bao giờ cũng ở phía cao quý hơn, trang trọng hơn. Để đề cao một người khác là khách đến thăm mình, chủ nhà thường nói: “Quý hoá quá! Hôm nay rồng đến nhà tôm!”, Khi chê ai biếng nhác lười lao động, kỹ năng vụng về thì rồng là tiêu chuẩn: “Ăn như rồng leo, làm như mèo mửa”, khen một người văn hay chữ tốt thì “Chữ như rồng bay, phượng múa!”, chúc mừng hạnh phúc cho tân lang và tân nương trong ngày cưới “Long phụng hoà minh", nói về địa thế đẹp “Long bàn hổ cứ” (Thế đất của Thăng Long như hổ ngồi rồng cuộn - Thiên đô chiếu)… Nhiều và rất nhiều thành ngữ như thế để thấy rằng; nói về rồng người Việt luôn có thái độ cung kính, tôn trọng. Khác với nhiều quốc gia và dân tộc khác, người Việt trong ý thức của mình quan hệ với rồng giống như quan hệ thân thuộc, dòng dõi, xem mình là người có dòng máu rồng tiên. Dân tộc tính ấy có phải xuất phát từ niềm tự hào về nguồn gốc của dân tộc Lạc Việt?
Rồng trong tín ngưỡng tâm linh văn hoá Việt
Trong Tử vi đẩu số, chiêm tinh học, phong thủy và nông lịch học cổ đại, rồng có mặt trong 28 vì sao (Nhị thập bát Tú) gọi là Thanh Long Tinh (Sao rồng xanh). Trong lịch pháp rồng là biểu tượng của địa chi thứ năm trong thập nhị địa chi (chu kỳ 12 năm): 1.Tý, 2.Sửu, 3.Dần, 4.Mão, 5.Thìn, 6.Tỵ, 7.Ngọ, 8. Mùi, 9.Thân, 10. Dậu, 11. Tuất. 12. Hợi.
Khi phối hợp giữa Địa chi và Thiên can (Chu kỳ 10 năm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và Ngũ hành, âm dương ta có 5 năm Thìn thuộc dương; Giáp Thìn (Hành hỏa), Bính Thìn (Hành Thổ), Mậu Thìn (Hành Mộc), Canh Thìn (Hành Kim, Nhâm Thìn (Hành Thuỷ).
Tháng Thìn (tháng 3 âm lịch) Ngày Thìn, và giờ Thìn (7 giờ đến 9 giờ sáng). Các tháng Thìn, ngày Thìn và giờ Thìn cũng phối hợp với Thiên can để có các tháng, ngày, giờ Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm (Thìn)
Trong khoa học phong thủy, Thìn được xác định theo phương vị (hướng) và hình dạng (thế đất) khi làm nhà hay mai táng. Có các thuật ngữ như: long mạch (lối rồng đi), long huyệt (hang rồng), long hàm (hàm rồng, long giác (sừng rồng), long kỳ (vây rồng), long vĩ (đuôi rồng) v.v… Theo quan niệm của người xưa những phương vị và thế đất ấy đều có ảnh hưởng tốt xấu rất lớn đến việc xây dựng và mai táng.
Tín ngưỡng và phong tục dân gian trong việc làm nhà, cưới gã, mai táng, nhậm chức… người Việt thường rất tinh thành và cẩn trọng chọn lựa năm, tháng, ngày, giờ để tổ chức.
Ngày, giờ có sao Thanh Long được xem như ngày, giờ hoàng đạo (ngày, giờ tốt). Người ta thường chọn giờ Thìn trong ngày (7-9 giờ sáng) để bắt đầu làm những công việc trọng đại như đến công sở, dựng nhà, khai trương, họp chợ, buôn bán vì quan niệm giờ đó là giờ mặt trời đã lên sáng tỏ, nước lớn, việc giao thông đi lại rất thuận tiện
“Sinh Huỳnh Đế, tử Huỳnh Long” (sống thì đoán số mệnh theo Huỳnh Đế, chết thì chôn cất theo ngày giờ cho đúng Huỳnh Long là quan niệm tử vi toán số và chiêm tinh học xưa đã được dân gian hoá thành phong tục trong đời sống, khi chưa hiểu hết về nguồn gốc và tính triết lý của nó thì người hiện đại dễ phê phán nó là một hủ tục, mê tín dị đoan. Đó là việc tiên đoán vận mệnh của một người qua ngày sinh tháng đẻ và trang lá số Tử Vi . Căn cứ vào thời gian sinh; năm, mùa, tháng, ngày, giờ nào, để biết tuổi người sinh nằm trên phương vị nào của cơ thể ông Huỳnh Đế, hay là đạt được bao nhiêu cân lượng mà đoán vận mệnh của một người. Đối với việc mai táng thì căn cứ vào tuổi của người chết và năm chết để tính Huỳnh Long (tuổi thì tính theo địa chi Tam hợp với năm mất kết hợp với 12 bộ phận trong cơ thể của Huỳnh Long/ hình Long. Huỳnh Long có 12 bộ phận cơ thể của rồng vàng: Thần (môi), Giác (sừng), Tề (rốn), Mục (mắt), vĩ (đuôi), Yêu (lưng), Túc (chân), Tảng (trán), Phúc (bụng), Trường (ruột) chia thành 6 cặp; Thần Tề, Mục Vĩ, Tảng Tỷ, Giác Nhĩ, Yêu Túc, Phúc Trường. Tính tuổi người mất vào năm đó thì rơi vào chữ gì thì con cháu và dòng họ sẽ tốt hay xấu (cũng có Tốt, tốt vừa, tốt nhất, xấu, xấu vừa và xấu nhất. Ngoài ra Đông y cổ cũng dựa vào năm theo can chi và ngũ hành mà tính ra khí vận của một năm để tiên đoán những dịch bệnh nào sẽ thường xảy ra trong năm đó. Ví dụ, năm nay là năm 2024, là năm Thìn thuộc Thuỷ mà Giáp Thìn hành hỏa, về thời tiết thì thủy hỏa tương tranh, mưa nắng thất thường, lạnh nóng không điều hoà nên thường cái bão lớn, lụt to; về vận khí là dương hỏa nên các bệnh về tim mạch, huyết áp, ghẻ lở, bệnh ngoài da… dễ phát triển.
Năm Thìn, nói đôi điều về rồng, những yếu tố rồng có mối liên hệ trong đời sống văn hoá của người Việt, nhất là trong văn hoá và tín ngưỡng tâm linh, người viết cũng chỉ lấy làm mua vui cho độc giả trong những lúc trà dư tửu hậu, nhàn đàm trong không khí chào Xuân đón Tết Giáp Thìn. Cũng như tất cả mọi người, người viết cũng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, đời sống phồn vinh hạnh phúc, an khang và thịnh vượng đến với đất nước và mọi người!.
Hội An, 01.01.2024
Link nội dung: https://ducanet.vn/nam-thin-noi-chuyen-rong-trong-doi-song-van-hoa-cua-nguoi-viet-a922.html