Phát triển du lịch đêm Hà Nội: Sản phẩm nghèo nàn, chưa hấp dẫn

Các tuyến phố đi bộ về đêm luôn là điểm ghé chân của du khách khi đến Hà Nội. Tuy nhiên, du khách chưa có cơ hội móc hầu bao chi tiêu do sản phẩm nghèo nàn và chưa hấp dẫn.

Chưa tạo được bản sắc

Nhắc đến phố đi bộ ban đêm tại Hà Nội, nhiều người nhớ ngay đến phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào - Chợ Đồng Xuân bởi đã hình thành từ 20 năm nay. Tuyến phố này được Hà Nội tổ chức từ năm 2004 cũng với mục đích tạo điểm thu hút khách. Tiếp đó, tuyến phố đi bộ khu phố cổ tiếp tục được mở rộng từ năm 2014 với các tuyến phố Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện… đến năm 2016, tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm hình thành dịp cuối tuần với các hoạt động văn hoá, giao lưu…

Chú thích ảnh Tuyến phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào - Chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Ảnh: XC

Từ một trục đường chính, giờ đây, tuyến phố đi bộ đã mở rộng ra khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội và quanh Hồ Gươm. “Trong các đề án về mở rộng tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội, chính quyền địa phương đều nêu lý do để phát triển du lịch, thu hút du khách. Nhưng tổ chức phố đi bộ trên với các dịch vụ đi kèm có thực sự thu hút được du khách chưa là câu chuyện phải bàn”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhận xét.

Khu phố cổ Hà Nội vốn đã là điểm đến với khách du lịch, nên việc tổ chức phố đi bộ cuối tuần tạo thêm không gian và các hoạt động dịch vụ.

Là người hưởng lợi từ phố đi bộ khi mở cửa ăn uống, chị Vũ Dung, một chủ cửa hàng kinh doanh về ẩm thực gần phố Tạ Hiện chỉ mở bán đến 24 giờ đã phải đóng cửa trong khi đó du khách muốn ở lại lâu hơn thì sẽ bị lực lượng trật tự phường nhắc nhở. “Khách muốn lưu lâu hơn thường vào bar, club tại một số khách sạn. Việc đóng cửa sớm khiến việc kinh doanh hạn chế”, chị Dung cho biết.

Trong lần thứ 2 trở lại Việt Nam, ông Duchesne Luc, du khách đến từ Pháp có dịp đi vòng quanh khu vực Tây Bắc. Trong ngày cuối trước khi rời Hà Nội về nước, ông đi tham quan phố đi bộ dọc khu Hàng Ngang - Hàng Đào. Đồ lưu niệm mà ông mua duy nhất là chiếc áo có in lá cờ Việt Nam, ngoài ra không chọn thêm được sản phẩm gì.

“Tôi thích nhất phố Tạ Hiện với không gian náo nhiệt, vừa được trải nghiệm không gian phố cổ, vừa được giao lưu”, Duchesne Luc chia sẻ.

Có thể dễ nhận thấy, với người tổ chức du lịch, do Hà Nội là trung tâm trung chuyển khách nên các chương trình tour đều có ngày đầu hoặc ngày cuối bố trí cho khách đi thăm phố cổ Hà Nội. “Đây là thời điểm khách dễ tiêu tiền nhất nhưng mặt hàng phải đáp ứng nhu cầu của khách. Thường khách sẽ mua đồ lưu niệm, thưởng thức ẩm thực và tham gia hoạt động giải trí”, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc sản phẩm Công ty du lịch Mai Việt cho biết.

Trong khi đó, chị Lê Phương Dung ở phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Chứng kiến gần 20 năm hình thành và tồn tại của phố đi bộ, mô hình kinh doanh dọc phố Hàng Ngang - Chợ Đồng Xuân vẫn chỉ là nơi bán hàng tiêu dùng, đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau dịch COVID-19, một số sạp hàng chuyển sang bán hàng thủ công mỹ nghệ giới thiệu từ các làng nghề được khách du lịch quan tâm. Tuy nhiên, khách đến đông chủ yếu xem chứ mua sắm ít. Chỉ một bộ phận người dân được hưởng lợi từ việc trông xe, bán hàng ăn, đồ lưu niệm…

Thiếu hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí đi kèm

Tuyến phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm được nhận định khá thành công dựa trên khu phố cổ, thì một số mô hình khác tổ chức sau đó như phố đi bộ Trần Nhân Tông hay phố đi bộ Trịnh Công Sơn lại vắng bóng người qua lại. Kỳ vọng thu hút khách nhưng các tuyến phố đi bộ này có cung đường chưa thuận tiện, không có điểm nhấn để thu hút người dân cũng như du khách đến vui chơi.

Gắn bó và kinh doanh trên tuyến phố Trịnh Công Sơn hơn chục năm nay, chị Phương Thuý cho rằng, việc tổ chức tuyến phố đi bộ nhưng thiếu hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí đi kèm khiến tuyến phố trở nên vắng vẻ. Nhiều hôm xe máy, xe đạp lưu thông qua cả tuyến phố này nên nhiều người không có cảm giác đó là tuyến phố đi bộ.

Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc công ty Wondertour cho biết: Việc lập các tuyến phố đi bộ thời gian qua cho thấy việc tạo không gian để khách đi chơi, mua sắm là điều cần thiết nhưng chưa phát triển xứng với tiềm năng. Nếu nhìn từ hiệu quả kinh tế, hoạt động du lịch đêm chưa đáp ứng nhu cầu của du khách và một số cơ chế ràng buộc do tổ chức trong khu dân cư. Các hoạt động vui chơi đều phải dừng lại trước 12 giờ đêm. Một số hoạt động du lịch đêm khu vực phố cổ Hà Nội đang tạo ra mâu thuẫn lớn giữa việc duy trì nếp sống của người dân và khai thác tạo thu nhập.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho rằng: “Sau khi kết thúc chương trình tham quan các tỉnh xung quanh hoặc Hà Nội trong ngày, buổi tối khách sẽ tự do đi tham quan phố cổ để mua sắm, trải nghiệm du lịch đêm. Tuy nhiên, nhiều khách nước ngoài phản hồi du lịch đêm vẫn thiếu vắng những sản phẩm có thể mua sắm trước khi về nước. Còn hoạt động giải trí lại đóng cửa sớm. Do đó, tổ chức du lịch đêm tại các phố đi bộ như Hàng Ngang - Hàng Đào, cơ quan chức năng quy hoạch tổ chức du lịch đêm, hoặc có cơ chế cho tuyến phố du lịch hoạt động hiệu quả hơn”.

Từ góc độ quan sát của đơn vị đào tạo, nghiên cứu, PGS.TS Phạm Hồng Long, trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Một số tuyến phố đi bộ tại Hà Nội tổ chức dịp cuối tuần có thành công nhất định. Việc tổ chức phố đi bộ trước hết là phục vụ người dân sở tại, sau đó mới đến khách du lịch. Tuyến phố đi bộ Hàng Ngang – Hàng Đào nằm trong trục giữa của khu phố cổ Hà Nội vốn đã sầm uất nên việc tổ chức thêm các hoạt động phục vụ du khách gia tăng các hoạt động trải nghiệm, hoạt động kinh tế. Còn các tuyến phố khác chưa hẳn hướng đến hoạt động du lịch, mà chủ yếu phục vụ dân địa phương.

Nếu hướng tới thu hút khách, việc tổ chức nghiên cứu tới nhu cầu của từng tốp khách mới tổ chức các dịch vụ phù hợp. Có nhóm khách chỉ thích dạo bộ, có nhóm thích vui chơi, có nhóm thích mua sắm… Do đó, đáp ứng chung tất cả nhu cầu này hiện có khu phố đi bộ phố cổ Hà Nội. Dù vẫn còn ý kiến khác nhau về hàng hóa bán tại phố đi bộ, nhưng ở góc độ thị trường, các sạp bán được hàng chứng tỏ vẫn có đáp ứng phần nhu cầu của khách mới tồn tại được. Tuy nhiên, để hướng tới du lịch kinh tế đêm hiệu quả hơn, cần phải quy hoạch lại, trong đó có giới thiệu các sản phẩm địa phương, ẩm thực, dịch vụ…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, phát huy hiệu quả kinh tế đêm bắt buộc phải có những dịch vụ đi kèm như mua sắm, hàng lưu niệm, ẩm thực, vui chơi giải trí…. Vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này. Giải pháp quy hoạch ở đây, chính là xây dựng một mô hình kinh tế mới cho khu vực, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản nhất, hiệu quả nhất, nhưng vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác, giảm tác động tới người dân trong khu vực.

Theo các chuyên gia về du lịch, phố đi bộ du lịch đêm ở các nước phương Đông hình thành gốc từ điểm chợ truyền thống và phát triển gắn với du lịch nên thường lẫn với khu dân cư. Do đó, việc hình thành trong khu dân cư cần có những quy tắc nhất định để đảm bảo hài hoà các lợi ích của các nhóm dân cư khác nhau. Trong khi đó, tại các nước phương Tây, các điểm dịch vụ vui chơi giải trí thường là khu vực riêng biệt. Nếu quy hoạch lập khu riêng để tổ chức các dịch vụ du lịch chưa chắc đã có khách. Do đó, trên cơ sở các điểm phố đi bộ sẵn có, Hà Nội có thể quy hoạch, tổ chức hoạt động dịch vụ đặc trưng, khai thác tối ưu hiệu quả kinh tế đêm mang lại.

Link nội dung: https://ducanet.vn/phat-trien-du-lich-dem-ha-noi-san-pham-ngheo-nan-chua-hap-dan-a652.html