Chỉ có những người có lòng nhiệt huyết với cuộc sống, với văn hóa đọc mới thẩm thấu hết những gì mà tác giả muốn gửi gắm qua những trang viết, những câu chuyện dễ thương nhưng chứa nhiều ý nghĩa thiết thực trong việc dạy dỗ con cháu, không phải bằng những câu giảng luân lý, những bài học phổ biến thông thường...
Đó là những câu chuyện cổ tích thời hiện đại - quả không sai. Bởi tác giả đã hóa thân, nhập hồn vào nhân vật để viết say sưa, viết như người "lên đồng". Nhưng lại không quay cuồng, vô thức, mà lúc nào cũng song hành với chữ " Nhẫn" theo đúng nghĩa. Đôi lúc, ta có cảm giác như có một ông tiên bằng da, bằng thịt hiện lên trao cho ta một bài thuốc, một bài học, một kỹ năng sống còn đang tiềm ẩn trong kho tàng kiến thức và tri thức...
Những câu chuyện nhẹ nhàng, lối dẫn truyện nhẹ nhàng, giọng văn cũng nhẹ nhàng và rất trẻ con.
Tác giả Phạm Việt Long còn có khả năng khác biệt, viết truyện cổ tích thời hiện đại. Từ rất lâu rồi đã có truyện "Sự tích cây rù rì", "Đầm Bạch liên", nay đến những câu chuyện trong bộ truyện "Bi bi và Mặt đen" - đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn và khéo léo khiến người đọc có cảm giác mơ hồ giữa hư ảo và thực tại...
Đọc bộ truyện " Bi Bi và Mặt đen" ta còn có cảm giác như mình được trẻ lại, được sống trong thế giới thần tiên mà không phải mất tiền mua vé, nhưng đôi khi lại xúc động bởi câu chuyện đã chạm vào cảm xúc tự nhiên của mỗi người.
Trong buổi lễ ra mắt sách, rất vui là đã có nhiều dự án sẽ chuyển thể tập truyện "Bi bi và Mặt đen" thành phim hoạt hình, múa rối hoặc truyện tranh.
Tôi được biết tác giả Phạm Việt Long qua tác phẩm "Bê trọc", "Phong lan về trời", "Giã từ" và "Ngờ vực”, nay đến bộ truyện "Bi bi và Mặt đen". Chỉ tiếc không có khả năng viết một bài phân tích và chứng minh về tác phẩm, mà chỉ là đôi dòng cảm nhận...Âu cũng là một chút tri ân, thay lời cảm ơn vì may mắn được đọc những tác phẩm của anh.
Chúc tác giả Phạm Việt Long luôn mạnh khỏe, bút lực dồi dào để tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm hay cho mọi người được thưởng thức.
Link nội dung: https://ducanet.vn/tac-gia-pham-viet-long-cung-bo-truyen-bi-bi-va-mat-den-a32.html