Theo đánh giá thì huyện Mường Ảng có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng từ cảnh quan, địa hình đến thổ nhưỡng, tạo nên nhiều điểm đến tiềm năng để phát triển du lịch. Ðơn cử như Ðào Viên Sơn tọa lạc tại bản Bua, xã Ẳng Tở, là điểm tham quan được đầu tư kỹ lưỡng, hấp dẫn. Ðây là điểm du lịch tư nhân, được gia đình ông Nguyễn Ðức Lợi đầu tư, phát triển trên diện tích 7ha. Trong khuôn viên Ðào Viên Sơn có nhiều khung cảnh phục vụ check-in: Vườn đào rừng, khu trồng hoa hồng cổ và một số tiểu cảnh khóa trái tim, khèn Mông, cầu thang lên trời. Bên cạnh đó, Ðào Viên Sơn còn phục vụ các món ẩm thực được nuôi, trồng, chế biến tại chỗ như lợn rừng, nhím, cà phê và đặc biệt là tảo xoắn được trồng theo mô hình khép kín - là sản phẩm chủ đạo cho các món ăn nhẹ và giải khát. Ngoài khu du lịch Ðào Viên Sơn, nằm ở bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao rộng khoảng 20ha là cơ sở trang trại chè của gia đình ông Phan Nhất đang trồng và chăm sóc 13ha chè. Chè Phan Nhất được trồng và chăm bón theo phương pháp hữu cơ đã cho ra thành phẩm chè ngon, sạch đạt chuẩn. Không chỉ vậy, đồi chè hữu cơ Phan Nhất vẫn là một điểm đến tiềm năng có thể khai thác loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp. Ðược biết, chủ cơ sở trong thời gian tới sẽ mở rộng diện tích trồng chè và xây dựng homestay để phục vụ du khách nghỉ đêm và cung cấp dịch vụ trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè…
Ở vị trí khá xa trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ nhưng cao nguyên đá Tủa Chùa lại là nơi có nhiều điểm tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn. Ðiển hình như khu vực xã Sín Chải - nơi có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ quanh năm. Chính điều kiện khí hậu đặc biệt với bốn mùa trong một ngày cùng thổ nhưỡng thích hợp của cao nguyên đã sản sinh ra cây chè shan tuyết nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt, vào đầu năm 2022, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 100 cây chè shan tuyết tại thôn Sín Chải và Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa là cây di sản Việt Nam. Ðược biết, huyện Tủa Chùa có gần 600ha chè; trong đó, 7.933 cây chè shan tuyết cổ thụ, nhiều cây vài trăm tuổi, tập trung chủ yếu ở xã Sín Chải và xã Tả Sìn Thàng. Giống chè cổ thụ ở đây chủ yếu mọc tự nhiên, sinh trưởng hoàn toàn hữu cơ, tự thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Hiện nay, với diện tích trồng chè này chưa diễn ra hoạt động du lịch nào nhưng nếu được đầu tư hợp lý hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho những người thích hòa mình vào thiên nhiên...
Cũng tại Tủa Chùa, bản Huổi Lóng nằm cách trung tâm xã Huổi Só 15km, cách trung tâm huyện khoảng 60km. Ðây là một trong những bản xa nhất đồng thời cũng khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa, tập trung phần lớn đồng bào dân tộc Dao với tổng cộng hơn 200 hộ dân của 2 bản tái định cư nằm ven sông. Khi hồ thủy điện Sơn La tích nước, dòng sông Ðà khu vực xã Huổi Só không còn là thác ghềnh nguy hiểm nữa, trở thành mặt hồ phẳng lặng. Lợi thế đường thủy được phát huy, việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu và ngược lại thuận lợi. Thương lái các nơi ngược dòng sông Ðà, neo lại ở bến Huổi Lóng để bán hàng, hình thành và phát triển phiên chợ. Bởi vậy, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với những sản phẩm như tham quan lòng hồ, trải nghiệm ăn uống, lưu trú, lễ hội, đánh bắt cá...
Ngoài những địa điểm được nhắc tới ở trên, còn rất nhiều các điểm du lịch khác đầy triển vọng trong tương lai, như: Khu du lịch sinh thái hồ Noong U, xã Noong U, huyện Ðiện Biên Ðông; khu trồng dược liệu xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; du lịch lòng hồ tại TX. Mường Lay... Tháng 3/2023, UBND tỉnh phê duyệt Ðề án Phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch trọng tâm của tỉnh theo 3 trụ cột chính: Sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh; sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, đề án xác định rõ cần thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - khám phá trên cơ sở khai thác thế mạnh hệ sinh thái rừng, sông, hồ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc, các sản phẩm OCOP...
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tham mưu phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong rừng đặc dụng tại huyện Mường Nhé, TP. Ðiện Biên Phủ. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, giai đoạn 2022 - 2030. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và trình UBND tỉnh ban hành; đồng thời, đang hoàn thiện, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch cụ thể, chi tiết các nội dung thực hiện các chuyên đề liên quan đến du lịch sinh thái, nông thôn, nông nghiệp trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021- 2025...
Diệp Chi
Link nội dung: https://ducanet.vn/dien-bien-tiem-nang-phat-trien-du-lich-sinh-thai-a217.html