Động lực từ thu hút đầu tư
Hiện thực hoá tầm nhìn và quyết tâm tạo bước phát triển đột phá, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch và hàng trăm văn bản chỉ đạo thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm; trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực.
Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao, thu hút đầu tư có chuyển biến rất tích cực.
Ông Nguyễn Phi Sông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian qua, tỉnh đã đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn hàng đầu đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác đầu tư như: Tập đoàn Sun Group; Vingroup; Hải Phát; Liên danh Công ty Đèo cả - Văn phú - Phú Mỹ - Thành Lợi; Văn phú - Inves; Tập đoàn Kosy; Tập đoàn SGO; Intracom); Liên danh Tập đoàn Đèo cả - Tập đoàn Bamboo Capital; Tập đoàn TNG Holding Việt Nam; Tập đoàn TH,...
Các nhà đầu tư tập trung quan tâm vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như hạ tầng kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, nông - lâm nghiệp, khu đô thị, bất động sản. Đặc biệt đầu tư về lĩnh vực nông - lâm nghiệp tỉnh đã thu hút được số lượng loqna các nhà đầu tư về lĩnh vực trồng cây mắc ca và trồng rừng sản xuất.
Từ năm 2018 đến nay đã cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp, với quy mô dự kiến thực hiện trồng trên 80.000 ha tại các vùng, khu vực khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
Về số lượng doanh nghiệp, hiện tại toàn tỉnh có 1.250 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký trên 31.000 tỷ đồng và 645 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động tại địa phương.
Trong năm đó, năm 2022, có 110 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn trên 1.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2021. Năm 2023, có 137 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn trên 1.200 tỷ đồng, 105 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký thông báo hoạt động.
Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển. Năm 2022 có 37 hợp tác xã mới được thành lập với tổng số vốn điều lệ 94,57 tỷ đồng, tăng 68% so với kế hoạch. Năm 2023, có 28 hợp tác xã thành lập mới với tổng số vốn điều lệ 81 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 320 hợp tác với 9.852 thành viên, tổng số vốn điều lệ là 888 tỷ đồng; 21.185 hộ kinh doanh, tổng số vốn 1.764 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Điện Biên, triển vọng thu hút đầu tư trong tương lai của Điện Biên còn được tạo đà vững chắc hơn khi dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã chính thức hoàn thành và đưa vận hành từ tháng 12/2023. “Vận tải hàng không sẽ mở ra những cơ hội mới, góp phần quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, là cầu nối hiệu quả đưa du khách, các nhà đầu tư tìm hiểu”, ông Nguyễn Phi Sông nói.
Để tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư về với Điện Biên, ông Nguyễn Phi Sông cho biết tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, thuận tiện, thông thoáng, minh bạch và thân thiện cho nhà đầu tư đến tìm hiểu và kinh doanh.
Trong đó, tập trung vào rà soát, đơn giản hoá quy trình thực hiện thủ tục hành chính; Đẩy mạnh công tác phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Điện Biên tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà đầu tư chiến lược. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư; tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, thân thiện với môi trường. Ban hành các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Trước mắt, hình thành cơ sở vật chất và hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm tạo động lực phát triển; nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị.
Đặc biệt, Điện Biên xác định phải hường xuyên nắm bắt, quan tâm hơn nữa đến những khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh để chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Phải dám nghĩ lớn và đột phá
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên trong những năm qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên so với nhiều địa phương trong khu vực, thứ hạng của tỉnh vẫn đang còn thấp, dư địa, không gian phát triển còn lớn, cần được khai thác hiệu quả hơn và đặc biệt Điện Biên cần có vị thế phát triển xứng tầm hơn so với lịch sử hào hùng mà cha ông để lại.
Gợi mở một số định hướng trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư cho Điện Biên, chuyên gia này nhấn mạnh trước hết Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Điện Biên đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát động được phong trào thi đua xây dựng, phát triển Điện Biên giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống lịch sử 70 năm Điện Biên Phủ - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, phải dám nghĩ lớn và đột phá, hành động quyết liệt và bền bỉ, theo đuổi đến cùng mục tiêu phát triển.
Thứ hai, trên cơ sở xác định những tiềm năng, lợi thế phải sớm có chính sách tổng thể và chính sách phát triển riêng cho các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó tập trung sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng hiện đại, hàng hóa; phát triển mũi nhọn về du lịch.
Thứ ba, tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích cho doanh nghiệp phát triển, về với Điên Biên nhất là các doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt, định hướng sự phát triển, tạo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị và vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. “Phải coi đây là giải pháp mang tính đột phá, có khả tăng cao trong việc tăng thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, có tính chất lan tỏa lớn và đóng góp trực tiếp vào sự thay đổi diện mạo phát triển của tỉnh”, chuyên gia này nhấn mạnh đồng thời cho rằng Điện Biên phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh bằng các hành động cụ thể.
Thứ tư, chú ý phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ bởi “phi thương bất hoạt” và đây sẽ là đầu ra hàng hóa của phát triển sản xuất. Phải đẩy mạnh hoạt động thương mại, giao lưu, trao đổi hàng hóa, sản phẩm giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Điện Biên với các tình thành phố khác và với Lào và Trung Quốc, phát triển kinh tế cửa khẩu trở thành một động lực mới trong lĩnh vực thương mại.
Thứ năm, phát triển nền tài chính của Điện Biên thực sự trở thành chỗ dựa cho quá trình kinh tế xã hội, trong đó dựa vào các hoạt động ngân hàng, dịch vụ tài chính, thuế,… bảo đảm khả năng cung ứng nguồn vốn vay cho các hoạt động phát triển.
Cuối cùng, về mặt chiến lược, chuyên gia này nhấn mạnh Điện Biên phải xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh, để thu hút nhà đầu tư và du khách, để hàng hóa và sản phẩm của Điện Biên có đủ độ nhận diện, để “ai đến Điện Biên rồi đều muốn trở lại”. Tuy nhiên, để xây dựng thành công thương hiệu cần thời gian lâu dài và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
“Năm 2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là một dịp vô cùng quý báu mà phải 5, 10 năm sau mới có lại, Điện Biên phải chớp thời cơ, tranh thủ sự quan tâm của Trung ương và các bộ, ngành và phát huy nội lực tự thân để tìm đường phát triển. Sự lớn mạnh của Điện Biên được tạo thành từ chính cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cùng với sự quan tâm của Trung ương, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và năng lực điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Link nội dung: https://ducanet.vn/de-dien-bien-la-manh-dat-mau-mo-cho-doanh-nghiep-a2091.html