Sáng nay đi bộ thể dục qua cái khách sạn trung tâm thành phố, thấy giăng cái băng rôn: “Chào mừng các bạn lớp D khóa 72-75 trường Lê Hồng Phong Nam Định- Pleiku ngày 10-13/4/2024”.
Bèn nhớ, ngày kia, 14/4, tôi cũng đi... họp lớp.
Về lướt phây, hàng loạt tin, hình ảnh họp lớp, có những lớp đại học giờ toàn trên 70, nhưng đa số thành đạt, nhiều nhà văn nhà báo, giáo sư tiến sĩ nổi tiếng. Có lớp... mẫu giáo giờ cũng răng long tóc rụng, vẫn phều phào lụm khụm đi họp.
Lại có cả các lớp đặc thù, như... lái xe, cao cấp chính trị, đối tượng đảng, cán bộ nguồn, lớp tiếng Anh, lớp ôn thi thạc sĩ, lớp đại học luật tại chức, lớp dạy làm đẹp vân vân...
Nó chứng tỏ nhu cầu gặp gỡ là có thật, hoàn cảnh sống cũng được nâng cao nên mọi người sẵn sàng móc hầu bao để đi, mỗi lần đi như thế, bét nhất cũng 2/3 tháng lương hưu nếu ban tổ chức tiềm tiệm, không thì phải vài ba tháng.
Một thời người ta hay nói đùa: Đi họp lớp để chứng minh là mình có... học. Mà đúng là, thế hệ trên 60 tuổi bây giờ, có người có tới ba bốn bằng đại học mà chưa một lần biết cổng trường đại học, bởi đơn giản thời ấy, mỗi tỉnh thường có một cái trung tâm hoặc trường, mọi người đùa gọi là Ha Vớt tỉnh, chuyên liên kết với các trường đại học để mở các lớp tại chức, từ xa, mở... phục vụ các công chức viên chức chưa có bằng đại học.
Và một thời ấy, bằng không chính quy trong cán bộ lãnh đạo áp đảo bằng chính quy nhưng giá trị được coi như nhau nên người ta đổ xô học, hoặc làm cách gì đấy để có bằng.
Và nên mới có chuyện tiếu lâm là nhân viên vào báo với sếp có người xưng là bạn học cũ tới thăm, sếp ngẩn ra lẩm bẩm: quái mình có đi học đâu mà có bạn học?
Nhưng không phải ai cũng có lương hưu, ai cũng có con cho tiền đi họp (một ông bạn nhà báo khoe trên phây đi họp lớp, con gái thì để trên bàn cái phong bì “Ba ơi ba cầm ít tiền mặt khỏi phải kiếm chỗ rút ba hí, chúc ba vui”.
Con dâu thì chuyển khoản xong nhắn: “Con gửi ba ít tiền đi họp lớp có tiêu cho tiện”, dù ông này rất xông xênh về tiền). Rất nhiều người khó khăn, nên đi họp lớp còn là cuộc nhắc nhau thực hiện “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” để không chạnh lòng nhau, làm nhau tổn thương.
Một lớp đại học chẳng hạn, ra trường sau mấy chục năm, được một nửa thành đạt, luôn có tiền trong thẻ, trong ví, tiêu gì không phải tính (trừ các món lớn phải... hỏi vợ) là lớp ấy quá thành công rồi.
Còn lại không phải ai cũng sung túc, nên tổ chức được cuộc họp lớp nó khó khăn trăm bề. Thế mà giờ tổ chức được nhiều thế chứng tỏ dân ta... có điều kiện.
Kinh nghiệm là, các lớp đại học thì đồng đều hơn, ít nhất có cái bằng đại học thì đi làm cũng có lương, không giàu thì cũng qua ngày, rồi lâu dần, dưới sự “lãnh đạo” tài tình, có cả chắt bóp, tiết kiệm của vợ thì rồi cũng đủ nuôi con, sắm sanh đồ đạc, cuối đời có cái nhà, cái xe, đi họp lớp không là vấn đề lớn lắm.
Các lớp phổ thông khó hơn.
Có người học lên thành đạt, có người rẽ ngang năm ăn năm thua, có người ở nhà giữ hương hỏa làm ruộng nuôi cha mẹ... nên tổ chức được những lớp này tụ họp là khó nhất.
Nhưng rồi cái khó ló cái khôn, họ cũng vượt qua để họp lớp tưng bừng. Thì xuất hiện các mạnh thường quân. Các bạn này thành đạt, được vận động, được kích đúng chỗ, thế là rút ví. Mà không chỉ bao lớp ăn nhậu đi chơi, còn có quà cho bạn, cho thầy, và cho cả trường cũ.
Hồi tôi về họp lớp cấp 3 ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, bạn mạnh thường quân ngoài tặng mỗi người về dự một bộ ấm chén rất đẹp, quà và phong bì cho thầy cô, còn tặng hẳn cho trường một cái cổng trường. Hồi ấy chúng tôi ra trường đã 35 năm.
Không chỉ họp trong nước, một lớp đại học tôi quen đang rủ nhau sang năm sang Malaixia họp, thấy họ tính toán là rẻ hơn ở nhà, bởi bên ấy có 1 bạn đang sống, bạn ấy sẽ làm trưởng ban tổ chức, vé máy bay ra nước ngoài nghe nói bây giờ đang rẻ hơn trong nước...
Có người cho rằng, cả năm đầu tắt mặt tối, tăm tắp tuân thủ cấp trên thì không gian họp lớp là nơi mà tính dân chủ được thực thi triệt để nhất, nơi mà người “cán bộ” thân thiện nhất, đáng yêu và gần “dân” nhất. Nhưng lại cũng chưa chắc. Người doanh nghiệp, người công chức, kẻ còn làm công nhân, nông dân vất vả. Cũng nhìn nhau, dòm ngó ghê lắm. Vả, lớp cũng có nhiều loại lớp...
Nhưng cuối cùng thì, cái “hào khí” họp lớp nó vẫn hừng hực khi có thông báo họp lớp. Bây giờ có thế giới mạng, rất tiện. Cái thời phải “triệu tập” nhau bằng thư gửi bưu điện dán phong bì bằng cơm thì hình như chưa có họp lớp.
Sau tới gọi điện thoại cũng vẫn kích rích. Điện thoại tính theo phút để thu cước, lại còn tính vùng một vùng hai vùng ba, vừa gọi vừa nghe ruột lựt phựt đứt vì xót vì tiếc, lại còn không phải ai cũng có điện thoại..., giờ có group trên zalo, facebook, tiện vô cùng, dân chủ vô cùng.
Ông/ bà triệu tập viên (thường là cựu lớp trưởng và giờ vẫn hăng hái như xưa) lên ý tưởng, thậm chí là kế hoạch chi tiết, các thành viên vào bàn bạc góp ý rồi cuối cùng gút lại, thành “ý chí họp lớp”, thế là thông qua, tất nhiên là vẫn phải theo nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”, và cũng tất nhiên, nếu không thích anh có thể rời cuộc chơi.
Cái lớp Văn K1 đại học Tổng hợp Huế chúng tôi chuẩn bị họp lớp ở Huế (nơi chúng tôi học) và Quảng Trị (nơi ngày xưa hay đi lao động và là tỉnh lân cận đấy), cũng đang xôn xao mấy ngày nay.
Ra trường đã 43 năm, đứa cao đã hơn 70, đứa út ét cũng 64- 65 tuổi rồi, hẹn nhau đi nhớ đừng quên thuốc (tiểu đường, huyết áp, rối loạn tuần hoàn, mỡ máu...), đừng quên răng (giả) rồi... tinh thần đang rất hừng hực gần được như cái ngày vào trường rồi, dẫu có vài đứa, suy đi tính lại, ở nhà cho lành.
Cũng khoa chúng tôi ấy, thấy khoe trên facebook thì khóa 6 họp ở Sài Gòn, khóa 5 họp Quảng Bình, khóa 2, 10, 12... đang họp nội bộ để bàn...
Thì té ra, mùa họp lớp là có thật, dẫu giờ đang rất nóng, và vé máy bay, cả vé tàu, đều đắt.
Nhưng có hề chi, họp lớp mà, biết đâu lại gặp cái gì ngày xưa...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://ducanet.vn/chuyen-vui-mua-hop-lop-a1970.html