Theo biểu đồ nhiệt độ 10 ngày qua của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày lập đông tới nay, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội 31 độ C, ghi nhận lúc 16h ngày 10/11 và 13h ngày 11/11. Ngày 9 và 12/11, nhiệt độ cao nhất 30 độ C.
Đặc biệt ngày hôm qua (13/11), nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội có nơi trên 32 độ C. Một số địa phương khác như: Hòa Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh cũng ghi nhận mức nhiệt 32-33 độ C. Theo cơ quan khí tượng, những ngày qua, khối không khí lạnh lục địa với bản chất là lạnh và khô đang trong quá trình suy yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới tiếp tục chi phối thời tiết miền Bắc. Diễn biến xu thế trên ảnh hưởng thời tiết trong thời điểm này.
Lý giải nguyên nhân miền Bắc lập đông vẫn còn nóng trên 30 độ, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, trên Biển Đông những ngày qua dồn dập bão đổ bộ. Khi hình thành những cơn bão như vậy, nguồn nhiệt, kể cả nguồn nhiệt tự nhiên trên vùng Bắc Biển Đông tương đối cao so với bình thường.
"Những cơn bão hình thành sẽ tạo điều kiện tỏa thêm một nguồn nhiệt vào bầu khí quyển xung quanh đường đi của cơn bão. Vì vậy, miền Bắc những ngày vừa qua khá quang mây, bức xạ nhiệt ban ngày tương đối cao, ban đêm giảm. Điều này cũng lý giải trước bão trời thường oi", bà Lan phân tích.
Ngoài ra, những ngày qua, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội tương đối cao. Tình trạng ô nhiễm khiến bầu không khí ngột ngạt, khó chịu hơn và cũng giữ nguồn nhiệt trong bầu khí quyển.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, trong vòng 1 tháng tới, hoạt động của không khí lạnh có thể yếu hơn trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn 1-1,5 độ C.
Miền Bắc sắp đón không khí lại, khả năng cao có mưa dông. Ảnh minh họa.
Nhận định về không khí lạnh, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hoạt động của không khí lạnh trong thời kỳ từ nay đến ngày 10/12 có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm.
Đáng chú ý trước đó, trong thời kỳ ngày 11/10 - 10/11, có 4 đợt không khí lạnh vào các ngày: 23/10, ngày 31/10, ngày 2/11 và ngày 4/11 tác động hầu hết các khu vực thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất ngày xuống dưới 20 độ C, có nơi dưới 13 độ C như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 11,5 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 11,2 độ C; Sìn Hồ (Lai Châu) 11,8 độ C,…
Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%; khu vực Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10 - 30%; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Cũng theo vị chuyên gia khí tượng này, giai đoạn tháng 11, khu vực Trung Bộ vẫn trong cao điểm mùa mưa. "Vì vậy, khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Mưa tập trung chủ yếu từ Quảng Bình đến Khánh Hòa", ông Hòa nhấn mạnh.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vào cuối tháng 11 còn xuất hiện mưa rào và dông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to, sang tháng 12 trên khu vực ít có khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng.
Về hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển, cơ quan khí tượng dự báo từ nay đến ngày 10/12/2024, bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Số cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo số liệu trung bình nhiều năm trong giai đoạn nêu trên, khu vực Biển Đông có khoảng 1,4 cơn; đổ bộ đất liền 0,7 cơn. Trong đó, bão số 8 Toraji đang hoạt động trên vùng biển phía bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Đáng chú ý trước đó, thời kỳ từ ngày 11/10 - 10/11/2024, trên Biển Đông đã xuất hiện 2 cơn bão là bão số 6 Trà Mi và bão số 7 Yinxing.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://ducanet.vn/giua-thang-11-van-nong-di-thuong-bao-gio-mien-bac-don-dot-khong-khi-lanh-a16817.html