Không thể xác định được tiêu chuẩn, định mức sử dụng
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 29/10 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật).
Tham gia ý kiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, ĐBQH Đoàn Tp.Hồ Chí Minh góp ý một số điều Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tại Khoản 1 điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: "Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, …..".
Ông Thức cho biết, theo Khoản 1 điều 3 này thì thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, văn phòng phẩm phục vụ cho hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công cũng được xem là tài sản công.
Điều này trong thực tế làm cho các đơn vị y tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì bản chất các loại vậy tư y tế tiêu hao, thuốc, hóa chất không thể xác định được tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tiêu hao cho từng bệnh nhân hay từng loại bệnh; không thể thực hiện các thủ tục thanh lý các tài sản này; không thể tiến hành các thủ tục ghi chép, hạch toán tăng, giảm tài sản...; không thể thực hiện các thủ tục xác lập tài sản;
Khi đã qua sử dụng một lần thì mất đi chức năng hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu...
"Do đó, tôi đề nghị nên cần quy định rõ ràng và xem xét không nên xem thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công là tài sản công", ông Thức nói và cho rằng việc này sẽ đỡ gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong quá trình hoạt động hàng ngày.
Tại Khoản 1 điều 58 quy định "Đơn vị công lập được sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết mà không do ngân sách Nhà nước đầu tư".
Ông Thức cho hay, theo khoản 1 điều 58 này thì chưa quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh liên kết trong khi thực tế.
Thực tế cho thấy, nhiều đối tác mong muốn xây dựng tòa nhà trong khuôn viên của bệnh viện để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện, vốn góp của đơn vị thương hiệu và phần giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết; đối tác thực hiện xây dựng tòa nhà.
"Do đó, tôi đề nghị xem xét bổ sung khoản 1 điều 58 "đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh liên kết" đồng thời cần bổ sung quy định cụ thể việc xác định giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập tại điểm c khoản 3 điều 58", ông Thức nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc quy định thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan rất khó trong quá trình thực hiện vì mỗi quy định sẽ cho kết quả xác định giá trị thương hiệu khác nhau.
Vấn đề này đang là điểm khó thực thi dẫn đến việc thực hiện xã hội hóa theo hướng liên doanh liên kết đang bị tắt nghẽn hiện nay.
Khác với những tài sản thông thường góp vốn, tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập là một tài sản đặc thù (tài sản vô hình), đặc thù là tài sản. Bởi vậy, chúng cần được định giá.
Nhưng thực tế giá trị về cả mặt tinh thần mà vật chất đều không dễ dàng xác định được. Đi cùng với đó là các vấn đề pháp lý liên quan như: Góp như thế nào, định giá nhãn hiệu ra sao, giao nhận nhãn hiệu, thời hạn góp vốn và thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu.
Phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp quận
Tham gia góp ý về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay tình hình lãng phí tài sản công là rất lớn.
Theo đại biểu, ngay cả các đơn vị muốn đưa tài sản công vào để hợp tác công tư, khai thác thì theo những quy trình rất tốn kém thời gian. Thậm chí, người lãnh đạo đơn vị cũng cảm thấy nản quy trình nên cuối cùng cũng không khai thác, sử dụng tài sản công một cách hiệu quả.
Trong Luật, sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 17: "Căn cứ quy định của Luật này quy định về thẩm quyền của Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý địa phương, bảo đảm phù hợp với năng lực thực hiện nhiệm vụ, nguồn lực về tài chính công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát".
Hay "Đối với tài sản công không được quy định tại khoản trên thì Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công", ông Ngân cho rằng lần sửa đổi Luật này những quy định này cần phải sớm thực hiện và cần mạnh dạn phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp quận.
Tại Điều 42a. Chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý, Luật sửa đổi lần này đã đưa vào chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý.
Trong đó quy định: "Việc chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý được áp dụng đối với tài sản công là trụ sở làm việc và các tài sản khác hiện có tại trụ sở làm việc đó mà cơ quan Nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản không còn nhu cầu sử dụng".
"Nếu không còn nhu cầu sử dụng thì trả, chuyển lại về cho địa phương quản lý", ông Ngân nói và đồng thời cho rằng cần có thời hạn quy định rõ trong việc chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công hiện nay.
Link nội dung: https://ducanet.vn/de-xuat-khong-nen-xem-thuoc-hoa-chat-vat-tu-y-te-tieu-hao-la-tai-san-cong-a15797.html