Hồ Gươm – Góc nhìn truyền thuyết và lịch sử

Sự thực của truyền thuyết lịch sử này là gì? Nên hiểu như thế nào cho đúng, tránh dẫn đến những hiểu biết sai lầm, thậm chí thái quá như: Cụ Rùa Hồ Gươm là một biểu tượng thiêng liêng – hình tượng gắn với lịch sử đất nước dân tộc như một chứng nhân lịch sử từ thời Lê sơ… Trước khi tìm hiểu điều này, ta hãy nhận thức lại định nghĩa về Lịch sử.

ho-guom-ha-noi2-1637757661.jpg

Hàng mấy trăm năm nay, cái hồ nằm ở trung tâm kinh thành Thăng Long (Đông Quan, Đông Đô) được gọi với cái tên rất đỗi thân quen là Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Trả Gươm) hay Hồ Gươm. Hồ này vốn là một phân lưu của sông Hồng chảy qua địa phận các phường: Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối. Nơi rộng nhất của phân lưu này chính là hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm - Hà Nội) bây giờ.

Theo truyền thuyết, hồ Gươm vốn tên là Thủy quân hay Tả vọng. Tuy nhiên, sau khi Lê Lợi (Lê Thái Tổ) chiến thắng quân xâm lược nhà Minh, đất nước thanh bình; thì đến đầu năm 1428 khi nhà vua đi thuyền trên hồ, có con Rùa vàng nổi lên, nói tiếng người xin vua trả gươm lại cho Long quân. Truyền thuyết này thể hiện ước nguyện độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ; phù hợp với khát vọng muôn đời của người dân đất Việt…

Sự thực của truyền thuyết lịch sử này là gì? Nên hiểu như thế nào cho đúng, tránh dẫn đến những hiểu biết sai lầm, thậm chí thái quá như: Cụ Rùa Hồ Gươm là một biểu tượng thiêng liêng – hình tượng gắn với lịch sử đất nước dân tộc như một chứng nhân lịch sử từ thời Lê sơ… Trước khi tìm hiểu điều này, ta hãy nhận thức lại định nghĩa về Lịch sử.

Tiếng Hy Lạp: historia, có nghĩa là “sự tìm hiểu kiến thức bằng cách điều tra”. Hiểu một cách đơn giản, lịch sử là những gì thuộc về quá khứ và gắn liền với xã hội loài người. Với quan niệm này, lịch sử bao trùm tất cả mọi lĩnh vực trong xã hội, đa diện do đó khó định nghĩa chính xác và đầy đủ. Nhà bác học người La Mã Cicero (106-45 TCN) đưa ra quan điểm: "Historia magistra vitae" (lịch sử chính yếu của cuộc sống) với yêu cầu đạt tới "lux veritatis" (ánh sáng của sự thật).

Tuy nhiên, có thể hiểu Lịch sử theo những vấn đề sau đây: Thứ nhất: Những sự kiện diễn ra trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại, không thể thay đổi được, cố định trong không gian và thời gian, mang tính chất tuyệt đối và khách quan. Thứ hai: Ghi lại những việc diễn ra trong quá khứ: con người muốn nắm bắt quá khứ, diễn đạt theo sự kiện theo từ ngữ và giải thích ý nghĩa của sự kiện, mang tính chất tương đối và chủ quan của người ghi lại bằng những câu chuyện kể. Thứ ba: Làm thành tài liệu của việc diễn ra trong quá khứ: cách làm hoặc quá trình tập hợp những sự việc diễn ra trong quá khứ thành tài liệu cũng chính là câu chuyện kể đối với hiện tại.

Như vậy, Lịch sử nên được nhìn dựa theo thực tiễn; còn truyền thuyết và văn hóa là một phần để tham khảo và bổ sung cho lịch sử; chứ không phải lấy truyền thuyết và văn hóa văn học làm lịch sử.

Trở lại câu chuyện truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm, thiết nghĩ: đây là vấn đề dễ lý giải nhưng chúng ta cố tình huyền thoại hóa, lịch sử hóa làm cho các thế hệ người Việt bị huyễn hoặc trong cái nôi văn hóa dân gian; mà thực ra là câu chuyện bịa nhằm tôn vinh vị vua mở đầu triều Lê sơ – Lê Thái Tổ (Lê Lợi).

Trong Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Văn hóa thông tin ấn hành năm 2000) quyển X: “Kỷ Nhà Lê” phần chép về Thái Tổ Cao Hoàng đế (từ trang 373 đến trang 479) nhà sử học Ngô Sĩ Liên không một dòng nào nhắc đến chuyện trả gươm hay mượn gươm – tức là chính sử không hề ghi chép lại! Tuy vậy, truyền thuyết có nhắc đến chuyện nhặt được gươm báu trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và trả gươm sau khi cuộc khởi nghĩa thành công (?!).

Tại sao có truyền thuyết này? Ta biết rằng, năm 1407 giặc Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ sang xâm lược nước ta, chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã hoàn thành công cuộc xâm lược, bắt sống 2 vua nhà Hồ (Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương) cùng toàn bộ quan lại trong triều và đặt ách cai trị trên toàn bộ đất nước ta. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng đều thất bại do mâu thuẫn nội bộ của những người lãnh đạo. Năm 1416 Lê Lợi cùng 18 người khác tổ chức Hội thề Lũng Nhai định dấy binh khởi nghĩa, nhưng chưa được nhân dân hưởng ứng, phải ẩn náu chờ thời. Đến đầu Xuân 1418, Lê Lợi lại cùng với 50 người đồng chí hướng (trong đó có 18 người trước đây) phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn -Thanh Hóa. Để tuyên truyền thanh thế, những người khởi nghĩa đã dùng mật viết lên lá cây dòng chữ: “Lê Lợi vi quân,…”, loài kiến ăn mật trên những chữ viết đó, đục thành chữ; khiến cho người ta suy đoán Trời sai Lê Lợi xuống giết giặc cứu nước. Bên cạnh đó, cũng đúc gươm có chữ “Thuận Thiên” và “Lợi”; rồi tách thân gươm và chuôi riêng lẻ cho người khác phát hiện: thân gươm – do Lê Thận quăng chài bắt cá kéo lên, chuôi gươm phát sáng ở cành cây cổ thụ… được người khác nhặt phát hiện và đưa dâng Lê Lợi – tạo tính chính danh và hợp lòng trời cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây có thể coi là kế sách vẹn toàn, thu phục nhân tâm tham gia khởi nghĩa giành độc lập tự do cho đất nước.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi; lấy hiệu là Thuận Thiên (Thuận theo lòng Trời) nhưng Lê Lợi còn lo ngại lòng dân chưa quy phục, rất sợ sẽ bị ám sát; trong khi các con của nhà vua chưa đủ uy tín hoặc còn quá nhỏ dại để nối ngôi báu… Và đặc biệt nhà Minh vẫn chưa chịu phong Vương cho Lê Lợi, dù nhà vua cử nhiều đoàn sứ sang giao hảo và xin sắc phong (vì lúc đó danh nghĩa vua của nước ta là Trần Cảo – dòng dõi nhà Trần). Chính những lý do này đã khiến Lê Lợi rất cảnh giác, luôn mang theo thanh gươm ông đã dùng từ đầu cuộc khởi nghĩa. Và sự cố ở hồ Tả vọng (Thủy quân) đầu năm 1428: Khi Lê Lợi lên thuyền Rồng trên hồ, có con Rùa nổi lên; nỗi lo bị ám sát canh cánh đã khiến cho nhà vua rút gươm phi xuống nước - Rùa thì lặn, mà gươm thì mất. Mất gươm, giải thích như thế nào cho thỏa đáng và giữ được danh dự, uy tín cho vị “Quyền thự An Nam quốc sự” (tước nhà Minh phong cho Lê Lợi năm 1428 - theo ĐVSKTT - sđd)? Và truyền thuyết trả gươm cho Long Vương ra đời… Nhưng, sao Rùa thời Lê Thái Tổ đến những năm đầu thập kỷ XXI vẫn còn? Rùa có tuổi thọ hàng nghìn năm ư? Câu trả lời là: không thể!

Truyền thuyết là những sáng tác dân gian truyền miệng nhằm lý giải một số hiện tượng tự nhiên, sự kiện lịch sử. Đặc điểm chung của chúng thể hiện các yếu tố kỳ diệu, huyễn tưởng, nhưng lại được cảm nhận là xác thực, diễn ra ở ranh giới giữa thời gian lịch sử và thời gian thần thoại, hoặc diễn ra ở thời gian lịch sử. Tuy nhiên, khi xác định lịch sử đích thực thì phải dựa vào yếu tố khoa học, thực tiễn để lý giải cho đúng đắn; tránh tình trạng nảy sinh những Tiến sĩ, phó Giáo sư Rùa học như đã có trong hiện thực nước nhà!

Những ngày cuối năm Kỷ Hợi - NHN

Link nội dung: https://ducanet.vn/ho-guom-goc-nhin-truyen-thuyet-va-lich-su-a153.html