Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ: Cần có kỹ năng gì để phòng cháy chữa cháy?

Vụ việc cháy chung cư mini ở Thanh Xuân (Hà Nội) khiến dư luận xót xa vì con số thương vong quá thảm khốc. Vụ việc cũng đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý đối với loại hình nhà chung cư mini, những nhà đã cũ. Đồng thời, cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cho xã hội. Đó là tăng cường hơn nữa việc quản lý chung cư mini, chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như nâng cao ý thức, kỹ năng của mỗi người dân, nhất là ở các đô thị lớn trong việc phòng cháy, chữa cháy.

d5ace8650928e076b939-1694860972-1695045009.jpg

Cháy chung cư ở Khương Hạ là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy.

Theo các chuyên gia, đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dựng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm…

Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy sách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…) đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH số điện thoại 114 và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn.

Dưới đây là 8 kỹ năng cần có khi có hoả hoạn xảy ra. 

Kỹ năng 1: Bình tĩnh

Khi xảy ra cháy nổ, phải thật bình tĩnh xác định ngọn lửa và nguồn khói, ổn định tâm lý để tìm cách rời đi càng nhanh chóng và an toàn càng tốt.

Kỹ năng 2: Di chuyển

Khói trong đám cháy sẽ cản trở tầm nhìn, để tránh bị ngạt khói và dễ nhìn hơn, hãy di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất và men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất. Bò sát mặt đất cũng sẽ giúp bạn có nhiều không khí để thở hơn, tránh bị ngạt thở do khói.

images-1694861069-1695044989.jpeg

Kỹ năng phòng cháy là vô cùng cần thiết.

Nếu luồng khói tới từ trên cao hoặc ngay trong khu vực, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và đi xuống các tầng dưới. Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, bạn hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng để tránh ngạt khí.

Kỹ năng 3: Phòng độc

Nên bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt khí và quấn chăn thấm đẫm nước lên người để tránh cháy quần áo, bỏng da. Nếu có thể, dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chữa cháy.

Kĩ năng 4: Dập lửa

Trong trường hợp quần áo bị cháy, hãy dừng di chuyển, nằm xuống và trở mình liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt, đồng thời che mặt càng nhiều càng tốt. Tuyệt đối không được chạy vì gió sẽ làm lửa cháy và lan ra nhiều hơn.

Cần chú ý khi nhảy vào bể bơi, hồ nước trong khu vực cháy vì rất có thể lửa đã làm nóng nước, có thể gây bỏng toàn thân khi nhảy vào.

Kỹ năng 5: Kêu cứu

Khi xảy ra hỏa hoạn ở nhà cao tầng, bạn cần di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ và gọi to để cầu cứu. Bên cạnh đó, để thu hút sự chú ý từ mọi người, hãy dùng khăn, áo, mũ màu sắc nổi bật để vừa hô cứu vừa ra hiệu.

Đồng thời, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114. Đây là đường dây khẩn cấp không mất tiền. Mọi công tác chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ đã được nhà nước chi trả, người dân không phải mất một khoản chi phí nào.

Kỹ năng 6: Mở cửa

Nếu muốn mở cửa khi xảy ra hỏa hoạn, bạn cần cẩn thận kiểm tra nhiệt độ của cửa trước. Khi mở cửa, cần tránh sang một bên để tránh trường hợp lửa tạt vào người.

Nếu không thể tìm một lối thoát an toàn hoặc nhận được sự trợ giúp của người khác, bạn có thể thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh để tránh tạm thời và chờ đội cứu hộ đến. Tuyệt đối không trốn trong nhà vệ sinh vì đây là nơi dễ bị ngạt thở do không gian kín.

Kỹ năng 7: Thoát hiểm

Khi thoát ra khỏi khu vực hỏa hoạn, tuyệt đối không chen lấn xô đẩy, không sử dụng thang máy để thoát nạn vì khi có sự cố cháy, nổ nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng. Bạn cần bình tĩnh di chuyển theo đường cầu thang bộ.

Kỹ năng 8: Hợp tác 

Khi xảy ra hỏa hoạn, bạn phải bình tĩnh, chú ý làm theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát PCCC và đội ngũ cứu hộ.

Nếu xảy ra cháy, nổ tại những nơi tập trung đông người như trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim… việc đầu tiên phải thật bình tĩnh tìm cách hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên để thoát ra khỏi tòa nhà qua các lối thoát nạn thông thường như cầu thang bộ, nơi có đèn Exit (Lối ra). Đây là những lối thoát nạn an toàn nhất.

Thực tế, qua nhiều vụ việc, nhờ có những kỹ năng như trang bị dây thoát hiểm, thang thoát hiểm, búa, mặt nạ chống khói độc… đã cứu nhiều người. Và ở đô thị lớn, việc biết tự bảo vệ mình trước những hiểm họa như cháy nổ là điều cần thiết mà mỗi người nên tự trang bị để cứu mình. Làm sao để những buổi diễn tập PCCC được quan tâm hơn nữa. Đồng thời, cần nâng cao ý thức cũng như giáo dục kỹ năng cho người dân khi đối phó với mọi hiểm nguy cháy nổ. Trẻ em cũng nên được dạy các kỹ năng PCCC một các liên tục, thường xuyên.

Ai đó nói, không có chỗ nào là an toàn 100%, vậy nên ý thức của mỗi cá nhân là quan trọng trong việc tự bảo vệ chính mình, gia đình mình cũng như cộng đồng. Làm sao để mọi người cùng cảnh giác cao độ, có kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, rủi ro. Làm sao để nhà phải là nơi ở, là nơi để về, để mỗi người cảm thấy yên tâm khi ở trong nhà mình.

Link nội dung: https://ducanet.vn/sau-vu-chay-chung-cu-mini-o-khuong-ha-can-co-ky-nang-gi-de-phong-chay-chua-chay-a126.html