Hoàng Su Phì là một huyện biên giới vùng cao Hà Giang, Việt Nam. Phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Tây giáp huyện Xín Mần, phía Đông giáp huyện Vị Xuyên, phía Đông Nam và Nam giáp Bắc Quang, Quang Bình. Hiện nay, tại Hoàng Su Phì có 12 dân tộc sinh sống, đông nhất vẫn là người Nùng chiếm đến 38%, sau đó là dân tộc Dao chiếm 22%, Mông chiếm 13% và còn lại là các dân tộc khác.
Người Dao đỏ là một dân tộc Đa màu sắc. Bởi cùng mang tên gọi Dao đỏ nhưng bộ trang phục của mỗi người ở mỗi vùng miền lại hoàn toàn khác nhau, điều đó khiến cho văn hóa của người Việt Nam ngày một đa dạng.
Người dân tộc Dao đỏ sống theo làng, bản riêng. Tập trung đông nhất vẫn là dân tộc Dao đỏ ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang.
Trong đám cưới, cô dâu thường mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất do chính cô dâu tự may trước khi cưới gồm: Áo có gắn những chùm tua có màu đỏ rực rỡ phía trước và sau cầu vai, yếm có gắn ngôi sao năm cánh (lùi ton) những hạt và mảnh bạc cùng với hoạ tiết bằng chỉ mầu đỏ và trắng; khăn đội đầu cuốn ngoài, guốc mộc, chùm móc chìa khoá và dây sà tích bằng Bạc. Ngoài ra, cô dâu còn có một chiếc ô được phủ một lớp vải màu đỏ phía ngoài, chiếc ô này do một cô gái phù dâu vừa đi vừa che. Chú rể mặc bộ quần áo truyền thống mới may đầu đội mũ nồi màu đen, chân đi guốc mộc (ngày nay chú rể thường đi dép tông hoặc đi dép nhựa...).
Theo phong tục, trên đường đón dâu về, cô dâu được trùm một tấm khăn màu đỏ đen, người phù dâu dùng khăn che mặt cho cô dâu. Đối với đồng bào người Dao, cô dâu không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ cúng tạ tổ tiên. Trước khi đến nhà chú rể, cô dâu phải trải qua nghi lễ giải hạn do nhà trai tổ chức.
Nét đặc biệt trong đám cưới của người Dao là trang phục của cô dâu với chiếc khăn lớn chùm đầu. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo kết hợp của sắc màu, nó thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống…
Trong đám cưới của người Dao đỏ, thầy cúng phải cúng giữa đêm khuya, 3h sáng thầy cúng phải mang toàn bộ những đồ cúng đi ra cách nhà chú rể độ khoảng 300m, ở một đỉnh núi cao nhất, là nơi để đoàn nhà gái sẽ đưa cô dâu đi qua. Đây là điều này rất đặc biệt vì khi đôi vợ chồng của người dao này lấy nhau, thầy cúng phải xem tuổi của đôi vợ chồng này có hợp không?. Trong trường hợp, ví dụ thầy cúng quyết định cho hai người lấy nhau được, nhưng mà tuổi một trong hai người có thể bị phạm, bị hạn hoặc liên quan đến một nghi thức tâm linh nào đấy thì thấy cúng phải tiến hành giải hạn, lúc đó cô dâu mới được bước vào trong nhà, rồi mới được phép làm lễ bái đường và đôi vợ chồng này mới được phép lấy nhau. Đó chính là lí do thầy cúng phải cúng giữa đêm khuya, chưa kịp trời sáng thì phải thầy phải làm xong lễ cúng đó cho kịp giờ trước khi mặt trời lên để cho cô dâu vào nhà, vì đấy là giờ thầy cúng đã định.
Khi buổi lễ diễn ra, Người Dao đỏ có điều rất đặc biệt, phía bên nhà trai không phải đi đón dâu mà bên nhà gái phải tự sang nhà trai, khi đoàn nhà gái đi từ một xã rất xa xôi sang, đoàn nhà trai phải ra đón. Các bài đón, các nội dung đón đặc biệt của người Dao sử dụng kèn, trống. Đối với các dân tộc khác như kinh, tày…vv thì trống, kèn chỉ sử dụng trong những dịp buồn. Nhưng đối với người Dao tiếng kèn thể hiện sự vui tươi, hân hoan, đón mừng niềm hạnh phúc trong bản làng, trong gia đình ngày hôm đấy. Một đoàn kèn gồm có: trống, kèn, để thổi các bài có nội dung hân hoan, chào mời, chúc sức khoẻ. Khi đón đoàn nhà gái vào trong nhà rồi, đoàn nhà trai vẫn tiếp tục thổi các bài kèn chào mừng quanh đoàn nhà gái để chờ thầy cúng làm lễ.
Sau khi đến nhà trai, đoàn rước dâu phải đợi giờ tốt, đợi thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên mới được vào nhà. Trước đó, nhà trai sẽ chuẩn bị đón cô dâu ở ngoài cổng, và sau khi đã chọn đúng giờ tốt thì họ sẽ hộ cô dâu mang tất cả hành lý vào trong nhà.
Ở bên ngoài nhà của chú rể, họ sẽ bố trí ghế để mời nước, mời trà và mời rượu. Trong thời gian mời, họ sẽ đưa cô dâu đến trước bàn thờ của nhà trai, cô dâu chú rể sẽ làm lễ trước tổ tiên để chính thức trở thành vợ chồng. Đôi vợ chồng trẻ sẽ được buộc một dải khăn đỏ tượng trưng cho dây tơ hồng để kết nối hạnh phúc bền chặt. Mẹ chú rể sẽ đến mở khăn mặt cho cô dâu trong ngày này.
Sau khi làm lễ xong, họ mời họ hàng nhà gái vào nhà. Thầy cúng tiếp tục công việc của mình. Có một chiếc bàn để bày các món quà tặng của bạn thân cô dâu và chú rể. Họ sẽ tặng cô dâu chú rể bánh trái. Những món quà này sẽ được đặt vào những chiếc đĩa.
Sau đó, một người bạn đại diện sẽ cùng với hai hoặc ba em bé Dao đỏ từ ngoài cửa chính tiến vào tặng quà cho nhà cô dâu chú rể. Ở một chiến tuyến, người bạn sẽ đại diện cho bạn bè của họ, hát đối chúc mừng cô dâu chú rể. Họ sẽ hát và bước lên từng bậc, cứ mỗi khi hát xong một câu đối, họ sẽ cuối đầu chào gia đình chú rể và quay qua chào tất cả những người khách tham dự lễ cưới. Hai hoặc ba em bé cũng sẽ cầm bánh và cuối chào họ.
Tiếp đến, gia đình của cô dâu và chú rể sẽ hát đối cám ơn lại đồng thời cũng cuối đầu chào người hát đối và những người khách đi dự đám cưới. Sau khi buổi lễ này kết thúc, người ta sẽ đem đồ ăn bày ra bàn. Đồ ăn được đựng chủ yếu trong một chiếc bát lớn, họ bày đồ ăn đầy bàn với những món như rau, thịt heo cắp nách, thịt heo rừng, lòng lợn, gà, canh. Và chủ yếu vẫn là uống rượu, họ uống rượu rất nhiều trong buổi lễ. Gia đình của cô dâu chú rể sẽ nhờ một người thanh niên đến từng chiếc bàn để gắp thức ăn và mời rượu cho khách tham dự. Họ cứ ngồi đó, gắp thức ăn và mời rượu cho đến khi nào người khách rời khỏi bàn cỗ.
Trong đám cưới của người Dao đỏ, các cô gái và các chàng trai đôi bên sẽ trổ tài hát Páo Dung. Cụ thể, các chàng trai sẽ hát bằng tiếng dân tộc của mình để giải bày tâm sự đến một cô gái Dao đỏ khác. Sau khi nghe chàng trai hát xong, cô gái lại đáp. Tài hát Páo Dung này cũng tương tự như các nhà nghệ thuật đang ngồi bình thơ, nghĩ gì thì sẽ bình đó và một người khác sẽ đối đáp lại.
Trong cuộc trổ tài hát Páo Dung, người ta sẽ nhận ra ai thông minh, ai là người phù hợp với mình. Ngày xưa, người Dao đỏ hát đến 7 ngày 7 đêm. Các chàng trai cô gái chỉ ngồi đó hát với nhau, người nhà được cô gái chàng trai ngồi hát sẽ ngồi đó mời rượu, dọn thức ăn và sau 7 ngày 7 đêm đó dường như họ đã thấu hiểu với nhau về mọi thứ, biết được hết tất cả về nhau. Và cuối cùng là họ sẽ nên duyên vợ chồng từ trong cuộc trổ tài hát Páo Dung đó. Gia đình diễn ra cuộc thi hát đó sẽ nhận cặp trai gái đó làm con, và trong buổi lễ đám cưới của cặp trai gái, họ sẽ là chủ trì buổi lễ, để đôi trai gái nhận họ làm cha mẹ đỡ đầu.
Theo tục lệ, cô dâu khi về đến nhà chồng, trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới không được đi dép để thể hiện sự kính trọng biết điều với mọi người trong gia đình nhà chồng. Sau đám cưới trong vòng một tháng, cô dâu không được đi về nhà bố mẹ đẻ và những nhà không phải họ hàng thân thiết của nhà chồng. Đặc biệt là kiêng kỵ không đi qua các khe suối. Đồng bào người Dao cho rằng nếu trong tháng đầu cô dâu đi về nhà bố mẹ đẻ hoặc nhà khác không phải họ hàng thân thiết của nhà chồng, vì con gái đó đang thuộc quyền quản lý của ma nhà trai. Đồng thời đi qua các khe suối thì sau này hay đi lại tuỳ tiện để ảnh hưởng đến hôn nhân của họ.
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của người Dao đỏ đã bị mai một theo thời gian, nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới cổ truyền vẫn được người Dao đỏ lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau, bởi trong đó chứa đựng nhiều yếu tố về văn hóa và lịch sử.
Bà Triệu Thị Tình – PGĐ Sở Văn hoá - Thể thao &DL cho biết: Trong xu thế hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có sự giao thoa, mai một. Nhưng đối với đồng bào Dao đỏ ở xã Thông Nguyên huyện Hoàng Su Phì vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, lễ cưới truyền thống được duy trì theo đúng bản sắc từ xưa để lại, có nét văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc. Một trong những nghi lễ đặc sắc phải kết đến đó là đám cưới của người Dao đỏ. Có thể khẳng định xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của người Dao đỏ đã bị mai một theo thời gian, nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới cổ truyền vẫn được người Dao đỏ lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau, bởi trong đó chứa đựng nhiều yếu tố về văn hóa và lịch sử.
“Ở dân tộc Dao thì định chế hôn nhân và nghi lễ đám cưới của các nhóm Dao vừa có sự tương đồng, vừa chứa đựng những nét khác biệt. nhưng nhìn chung hình thức hôn nhân phổ biến, đó là con trai họ này lấy vợ họ kia và ngược lại, tức là nguyên tác ngoại tộc hôn. Tuy nhiên, người Dao cũng tiến hành nội dộc hôn. Nam, nữ trong cùng một dòng họ có thể tiến hành hôn nhân, nhưng ít nhất phải năm đến bảy đời, hoặc theo quy định của dòng họ. Theo tập quán của nhóm Dao đỏ, nếu gia đình A có hai anh em trai và gia đình B có hai chị em gái thì chỉ cho phép một con trai của nhà A lấy con gái của nhà B. Trước đây người Dao cho phép em chồng có thể lấy chị dâu nếu anh trai chết, còn nếu em trai chết anh trai không được lấy em dâu. Hôn nhân con cô, con cậu được chấp nhận nhưng không phổ biến. Trong tộc người Dao cũng tồn tại tảo hôn, ép duyên nhưng không phổ biến, đa số là các chàng trai, cô gái chủ động lựa chọn bạn đời, hình thức thổ lộ”. Bà Triệu Thị Tình – PGĐ Sở Văn hoá - Thể thao &DL cho biết thêm.
Tục cưới xin của dân tộc Dao cũng rất nhiều nghi lễ phức tạp, mỗi nhóm Dao lại có nghi lễ khác nhau. Với người Dao đỏ hôn lễ trải qua 5 bước: Bước một đôi trai gái đồng ý kết hôn, người con trai sẽ về hỏi ý kiến bố mẹ mình; nếu được chấp thuận nhà trai cử người mang chai rượu sang nhà gái thưa chuyện cà hỏi ngày, giờ, tháng, năm sinh của cô gái để mang về nhờ thầy xem có hợp tuổi không.
Bước hai nếu hợp tuổi nhà trai lại mang sang nhà gái chai rượu thông báo với nhà gái, sau đó hỏi và thảo thuận về lễ vật thách cưới (tiền, bạc, lợn, rượu, gạo, trang phục…).
Bước ba nhà trai (ton mẩy) sang thông báo nhà gái (sơn tra) ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới, đồng thời mang rượu, gạo, vải đỏ hoặc len sợi đỏ và tiền sang bên nhà gái làm lễ “quẩy lẩy”; sau đó sẽ mời họ hàng và dân làng (bển tíu, trấu chềnh cha).
Bước bốn nhà gái đưa dâu về nhà trai (trước hôm đó nhà trai phải làm lễ cúng tổ tiên sẽ có người về làm dâu)…đoàn đưa dâu gồm chủ dâu dẫn đường (trưởng họ hoạc cậu cô dâu) … bố mẹ, cô chú anh chị, hộ hàng trên đường đưa dâu đoàn phải tuân theo những kiêng kỵ như: không đi qua dưới máng nước vì sự ko làm ăn được; không qua sau nhà người khác vì sợ gia đình họ bị rủi ro; nếu xem bói thấy cô dâu có hạn thì gần đến nhà chồng, nhà trai còn tổ chức cúng và làm phép giải hạn. Khi dâu đến cửa nhà chủ hôn ngậm nước phun ba lần vào cô dâu làm phép đuổi ma, trừ tà (ở nhóm người Dao áo dài). Trong hôn lễ, một tục lệ nhất định được tiến hành, đó là việc cô dâu chú rể được nghe căn dặn, dạy bảo những điều tốt đẹp trong làm ăn, trong quan hệ vợ chồng, người thân.
Bước năm bước cưới cùng tiến hành lễ lại mặt sau 30 ngày, trong 30 ngày đó cô dâu kiêng không đến thăm các gia đình trong bản và không được về thăm gia đình bố mẹ.
Ngày nay đám cưới truyền thống của người dao, nam, nữ có quyền bình đẳng tự lựa chọn; tuy nhiên khi tiến hành hôn lễ thì vẫn phải thực hiện tuân thủ các phục lệ, nghi lễ bắt buộc của tộc người; đám cưới thường được tổ chức hai ngày và một đêm. Một điều đáng chú ý trong đám cưới người Dao đỏ chú rể không phải đi đón dâu, ngược lại nhà gái phải đưa con đến đúng giờ hai gia đình đã quy định. Trong ngày cưới cô dâu chú rể phải mặc trang phục truyền thống lộng lẫy đủ trang sức, sau đám cưới cất đi chỉ mặc trong ngày lễ hội, hay đám cưới của dân bản…
Trao đổi với PV, bà Triệu Thị Tình – PGĐ Sở Văn hoá - Thể thao &DL cho biết thêm: “Thực hiện chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ CTr về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trên cơ sở đó ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án để giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên địa bàn tình qua nhiều nhiệm kỳ khác nhau, chẳng hạn như nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh đã ban hành: nghị quyết số 15 -NQ/TU ngày 6/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025; NQ số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025.
Định hướng đến năm 2030; kế hoạch số 79-KH/TU ngày 4/5/2021 của tỉnh ủy về tiếp tục triển khai các mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” giai đoạn 2021-2025… và các kế hoạch đề án của UBND tỉnh, của ngành để triển khai nhiệm vụ, tổ chức các chuyến khảo sát và lập hồ sơ trình Bộ Văn Hoá – Thể thao & DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với lễ cúng Bàn Vương, lễ Cấp sắc, kỹ thuật làm giấy bản; lễ hội Quỹa, lễ hội Nhảy lửa của người dao đỏ ỏ Hà Giang. Thời gian tới Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang tiếp tục khảo sát điền giã, lập hồ sơ để các cấp công nhận lễ cưới người Dao đỏ là di sản văn hóa”.
Đám cưới của người Dao đỏ là một buổi lễ vô cùng quan trọng, cùng với lễ cấp sắc, thì đám cưới của người Dao đỏ chính là nơi quy tụ hầu như mọi nét đặc trưng trong văn hóa của người Dao đỏ. Có thể nói, cùng với 54 dân tộc anh em khác của Việt Nam, người Dao đỏ là một dân tộc đã góp phần mang đến sự đa dạng trong văn hóa của người Việt. Cho đến nay, mọi nét đẹp này vẫn còn được lưu truyền, và nó trở thành kim chỉ nam để giúp họ có được một cuộc sống bền vững trên vùng biên giới của Việt Nam.
MỘC MIÊN
Link nội dung: https://ducanet.vn/ha-giang-luu-giu-nhung-net-van-hoa-dac-sac-trong-dam-cuoi-nguoi-dao-do-o-thong-nguyen-hoang-su-phi-a11.html