Đưa nội dung lên mạng, báo chí buộc phải chung sống với hoạt động kinh doanh của trí tuệ nhân tạo

Ngày nay, về cơ bản, sự cạnh tranh của các cơ quan báo chí chủ yếu diễn ra trên mạng, ngay cả tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự cạnh tranh nội bộ và với mạng xã hội, báo chí còn phải đối mặt với trí tuệ nhân tạo.

vi-pham-ban-quyen-tren-mang2-1697361371.jfif

Bing minh họa

Năm 2023, công cụ hỏi đáp thông minh ChatGPT đã trở thành cơn sốt toàn cầu, kể cả tại Việt Nam. Người sử dụng công cụ này có thể hỏi đáp với nó về đủ mọi vấn đề mà họ quan tâm. Đương nhiên, những câu trả lời được ChatGPT cung cấp nhờ thu thập và xử lý những dữ liệu thu thập được trên Internet, trong đó nguồn thông tin từ báo chí là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, có người đặt vấn đề rằng báo chí không nên cho các công ty công nghệ tự ý sao chép nội dung, bởi vì họ sẽ dựa vào dữ liệu đó để “dạy” cho trí tuệ nhân tạo (AI) cách sao chép nội dung. Nếu xu thế này kéo dài, sẽ đến lúc người ta không cần báo chí nữa. Cần bảo vệ bản quyền, không để sử dụng nội dung làm lợi cho các công ty công nghệ, trong khi nguồn lợi đó đáng ra thuộc về cơ quan tạo ra nội dung gốc.

Rõ ràng, các cơ quan báo chí đều phải đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc để có được nội dung hấp dẫn, và AI hiện nay kiếm được tiền khá dễ dàng nhờ vào việc khai thác các nội dung đó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp AI cũng phải đầu tư những khoản tiền rất lớn để công cụ hỏi đáp của họ thực sự thông minh và trả lời được về đủ mọi vấn đề mà người sử dụng công cụ của họ đang quan tâm. Vì thế, đây là chuyện không thể tránh khỏi và nói chung, báo chí không còn cách nào khác là phải tìm cách chung sống với AI.

Trước khi có các công cụ AI này, thực chất, báo chí đã phải chung sống với Google và Facebook. Đương nhiên, Google và Facebook kiếm được tiền từ việc bán quảng cáo thông qua dịch vụ tìm kiếm và chia sẻ thông tin của người sử dụng, nhưng thử hỏi báo chí có cần các công cụ này không? Chắc chắn, nếu không có Google thì bạn đọc mạng sẽ không dễ tìm kiếm được những bài báo mà họ đang cần và nếu không có Facebook thì bản thân các nhà báo cũng không dễ giới thiệu những bài báo mới nhất của họ với đông đảo bạn đọc. Vì thế, mối quan hệ giữa báo chí và các công cụ này là mang tính cộng sinh vì cả hai đều cần nhau. Tại một số nước, với những nỗ lực đấu tranh của báo chí, Google và Facebook đã buộc phải chia sẻ lợi nhuận và đương nhiên có lẽ đến một ngày nào đó sẽ đến lượt các công cụ hỏi đáp thông minh như ChatGPT.

Cũng cần nói thêm, Luật Sở hữu Trí tuệ không bảo hộ tin tức. Do đó, việc các công cụ như ChatGPT khai thác dữ liệu tin tức từ báo chí về cơ bản là không vi phạm bản quyền. Vì thế, báo chí phải chung sống với AI cũng là điều đương nhiên. Nhưng tuy vậy, với người sử dụng các công cụ AI này thì họ nhận được câu trả lời mà mình đang cần nhưng hoàn toàn không rõ nguồn từ đâu. Vì thế, đương nhiên sẽ có người buộc phải tra cứu để biết thông tin đó được đăng tải chính thức ở đâu. Tất nhiên, một khi AI kiếm được tiền nhờ khai thác dữ liệu báo chí thì đương nhiên tới một ngày nào đó cũng phải có trách nhiệm trả phí cho việc này. Song để đạt được việc đó thì bản thân giới báo chí cũng vừa phải hợp tác vừa phải đấu tranh cho quyền lợi của mình với AI.

Link nội dung: https://ducanet.vn/dua-noi-dung-len-mang-bao-chi-buoc-phai-chung-song-voi-hoat-dong-kinh-doanh-cua-tri-tue-nhan-tao-a1010.html