Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép đều có "thế lực lớn chống lưng".

Nguyên Bí thư Hà Nội: Có "thế lực chống lưng" đằng sau các công trình, chung cư mini vượt tầng

Duca

Ngày 18-9, liên quan đến vấn đề chung cư mini, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị đóng góp ý kiến của nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng ở thủ đô không chỉ có mỗi tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) xây sai phép mà còn rất nhiều công trình xây dựng khác xây vượt tầng.

1695024789-3781766476522388635539042519115117027197615n-1-16950201009221719881528-width684height513-1695113937.jpg

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Theo ông Phạm Quang Nghị, đang có một thực tế là xử phạt để công trình sai phép tồn tại. Nếu chỉ phạt cho tồn tại thì chủ đầu tư sẽ mong được phạt để hợp thức hóa vi phạm vì họ kiếm được lợi nhuận rất lớn từ phần công trình vi phạm. Đối với khoản lợi nhuận này, theo ông Phạm Quang Nghị, chủ đầu tư sẽ dùng để "chạy chọt", "biếu xén", "hối lộ" nhưng vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.

"Sai phạm đâu phải xử đấy, vi phạm đến đâu cắt bỏ đến đó, quá bao nhiêu tầng cắt ngọn bấy nhiêu tầng" - ông Phạm Quang Nghị nói về giải pháp xử lý công trình sai phép.

Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nếu được phạt cho tồn tại thì cán bộ phụ trách xây dựng sẽ có cớ để báo cáo công trình bị xử phạt hành chính mà không tiến hành cưỡng chế. Phạt cho tồn tại là đồng phạm với sai phạm một cách hợp pháp nên cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm.

Ông Phạm Quang Nghị cho rằng đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là có "thế lực lớn chống lưng lớn lắm". "Không phải mình đương đầu với chủ công trình vi phạm đâu, mình còn đương đầu với cả cái anh chống lưng đó" - ông nói.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng thành phố cần nghiêm khắc về vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ, nếu cấp dưới vi phạm mà không bị xử lý thì cấp trên phải bị xử lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thảo, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng cần sớm bổ sung quy định về chung cư mini để quản lý công trình này tốt hơn, nếu không chủ đầu tư sẽ tiếp tục biến tấu nhà ở riêng lẻ thành chỗ trọ, chung cư mini và điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Đêm ngày 12, rạng sáng 13-9-2023, xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại tòa nhà chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200 m2, cao 9 tầng, 1 tum, là nơi cư trú của khoảng 150 người. Vụ cháy đã làm 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang... đã tới hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả; tới bệnh viện động viên, thăm hỏi các nạn nhân đang được điều trị.

Ngày 14-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Thư thăm hỏi gửi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội về vụ hỏa hoạn.

Chiều 15-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Quốc hội đã đến thắp hương tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn và động viên, thăm hỏi các nạn nhân hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần đối với các nạn nhân vụ hoả hoạn và thân nhân.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phối hợp với các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn. Trước mắt, các đơn vị tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà vượt qua khủng hoảng, an tâm điều trị, chưa thu các khoản phí.

Huyền Thanh