Tín hiệu vui cho ngành du lịch
Theo báo Nhân dân, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I/2024 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam suốt 3 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 3,9 triệu lượt người, chiếm 83,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước; khách đến bằng đường bộ đạt 625,3 nghìn lượt người, chiếm 13,5% và gấp 2,6 lần; bằng đường biển đạt 136,7 nghìn lượt người, chiếm 2,9% và gấp 4,1 lần.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia có tổng lượng khách lớn nhất đến nước ta với hơn 1,2 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, bằng 150% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10% so với cùng kỳ 2019.
Xếp thứ hai là Trung Quốc với gần 890 nghìn lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, con số này cho thấy, lượng khách của nước này đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi về trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 với gần 1,3 triệu lượt.
Bên cạnh đó, các quốc gia có đông đảo lượt khách đến nước ta trong quý I năm nay như: Nhật Bản, Malaysia, Australia, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Mỹ…
Có thể thấy, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng mạnh, trở thành động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng ổn định, duy chỉ có thị trường Thái Lan là giảm 18,3% lượt khách. Các thị trường ở châu Âu tăng trưởng sôi động nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.
Nhìn chung, tiếp nối đà phục hồi của những tháng cuối năm 2023, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có những phát triển tích cực. Lượng khách 3 tháng qua đều đạt trên 1,5 triệu lượt và có xu hướng tăng. Đa phần, các thị trường dần phục hồi hoàn toàn, thậm chí, giờ đây lượng khách ở một số nước đến Việt Nam còn cao hơn năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà quản lý và người trực tiếp làm du lịch còn đặt kỳ vọng, với đà tăng trưởng nhanh như hiện nay, lượng khách quốc tế sẽ vượt mục tiêu đề ra, vượt mức năm 2019. Nhưng, cùng với lượng khách tăng cao, bài toán nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam.
Tìm "lời giải" cho bài toán nhân lực du lịch chất lượng cao
Theo GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao là tiêu chí đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững. Chỉ có chiến lược phát triển nhân lực du lịch được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để phục vụ mục tiêu hướng tới của năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực tương xứng. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng cần có giải pháp để đáp ứng đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngày càng cao của doanh nghiệp.
Hiện tại, cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch. Mỗi năm, các cơ sở đào tạo cho tốt nghiệp ra trường khoảng 20.000 sinh viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Tuy nhiên, báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho thấy, các chuyên gia đánh giá chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Singapore, bằng 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi các nước ASEAN.
Hiện nay, lao động Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore… đến Việt Nam làm việc khá nhiều. Hầu như khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trao đổi với Công an nhân dân, PGS.TS Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Tổng Thư ký Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam cũng nhận định, những tín hiệu vui của du lịch Việt Nam đầu năm 2024 là động lực cho ngành Du lịch nhưng cũng là cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Nhiều năm qua, ngành Du lịch Việt Nam có những nỗ lực phát triển nhân lực nhưng vẫn còn một số tồn tại.
Các cơ sở đào tại nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường đáp ứng được chuẩn quốc tế tương đối thấp. Cụ thể, số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hàng năm, ngành du lịch cần tới 40.000 lao động nhưng chúng ta mới chỉ cung cấp khoảng 20.000 nhân lực, trong đó chủ yếu là lao động trình độ trung cấp, sơ cấp và ngắn hạn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thắng, thời gian qua, khách du lịch tàu biển đến Việt Nam ngày càng tăng. Khách cao cấp, người nổi tiếng đến du lịch Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Khách du lịch đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ khiến chúng ta phải quan tâm vì đây là thị trường mang lại lợi nhuận cao. Trong khi đó, khách phổ thông lại có nhiều lựa chọn hơn và các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia bắt nhịp hậu COVID-19 rất nhanh, hiệu quả hơn chúng ta khiến cho cạnh tranh thị trường ngày càng lớn. Vì vậy, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, chuẩn quốc tế là yêu cầu cấp thiết.
Để đáp ứng yêu cầu, các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xem xét điều chỉnh xây dựng mới chương trình đào tạo; liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp trong đào tạo nhân sự du lịch và quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch có khả năng áp dụng công nghệ, số hóa vào hoạt động du lịch.
TS Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cũng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cần đạt tiêu chuẩn quốc tế, “phải tư duy toàn cầu và hành động địa phương” nhưng “không thể mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, cần phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch phát triển nhân lực du lịch và các đề án liên quan đã công bố trước đây, nâng trình độ phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, đồng thời đảm bảo về số lượng lao động. Thực hiện công bằng xã hội trong phát triển nguồn nhân lực, coi trọng giáo dục nghề nghiệp, quan tâm hơn n ữa đến truyền nghề tại chỗ…
Về phía các địa phương cũng phải nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý nhà nước và xây dựng tiêu chuẩn, nhất là tập trung vào tiêu chuẩn nghề và thực hiện chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế lao động trong ngành du lịch. Về giải pháp, PGS.TS Phạm Trung Lương cũng khẳng định phải đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Hoạt động đào tạo phải được vận hành theo dựa trên nhu cầu xã hội theo nguyên tắc cung – cầu, kết hợp hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội. Các nguồn lực này phải được quản lý và sử dụng có hiệu quả theo tư duy quản trị doanh nghiệp.
Minh Hoa (t/h)