Lào Cai: Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình (Sa Pa) khắc phục khó khăn, huy động học sinh đến lớp chuyên cần đạt 97%

Duca
Xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai là một trong những xã vùng cao khó khăn, địa hình đồi núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, việc đi học của học sinh vùng cao nơi đây còn rất nhiều vất vả.
dt1-20231106-132718-1699256031.jpgThầy giáo Nguyễn Vĩnh Nam, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phình đến gặp, động viên học sinh ra lớp


Do vậy, công tác huy động học sinh vùng khó ra lớp luôn được thầy, cô giáo của trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình (PTDTBT) và cấp ủy, chính quyền xã Ngũ Chỉ Sơn đặc biệt quan tâm. Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, trường đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương sử dụng nhiều biện pháp đến từng gia đình có học sinh nghỉ học để động viên, khích lệ các em đi học và gắn bó hơn với trường lớp, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần cao.
Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Nam, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phình, chia sẻ: Trước đây, trường là điểm nóng về học sinh bỏ học. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên kết quả chỉ là ở mức cải thiện dần và hầu như đầu tuần nào giáo viên cũng phải tổ chức đi vận động học sinh đến lớp học. Năm học này, trường có 458 học sinh, chia làm 12 lớp, trong đó có 228 học sinh bán trú, có tới 99% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Năm học 2023 -2024 đã được hơn 2 tháng nhưng vẫn còn học sinh nghỉ học dài ngày chưa có mặt ở lớp, với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều em là lao động chính của gia đình, vừa đi học vừa đi làm giúp đỡ bố mẹ, có tâm lý muốn nghỉ học. Số học sinh này tập trung chủ yếu ở các thôn còn khó khăn về đời sống. Đây đều là những thôn có đặc thù địa hình đồi núi dốc, đường đi lại chủ yếu là đi bộ, nhà cách trường gần chục km. Nhận thức của một bộ phận đồng bào về việc học của con em mình còn hạn chế. Địa bàn xã rộng, dân cư sống rải rác, trường phải chủ động trong vấn đề bám nắm tỷ lệ huy động học sinh ra trường, lớp, rà soát và thống kê danh sách học sinh chưa ra học thuộc từng thôn; phân công các tổ, nhóm đi đến tận gia đình học sinh để làm công tác vận động, tuyên truyền học sinh ra học. Thầy cô cũng phải nắm bắt rõ hoàn cảnh của từng học sinh, thấu hiểu được những khó khăn của từng gia đình để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp.
Công tác “dân vận” huy động học sinh ra lớp ở những vùng biên như thế này không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi thực tế đa số các em đều là con nhà nghèo nên bố mẹ cũng ít quan tâm đến việc học của con cái, do đó cần phải kiên trì và khéo léo thuyết phục mới mang lại hiệu quả. Bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên nhà trường thì sự chung tay của cán bộ thôn bản và chính quyền địa phương là mấu chốt trong việ vận động học sinh đến lớp học.

dt2-20231106-132746-1699256370.jpgThầy giáo và cán bộ thôn trên đường đến nhà dân động viê học sinh ra lớp học.

Theo thầy giáo Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa cho biết: Hằng năm, công tác huy động học sinh ra lớp, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa nơi đây luôn là vấn đề trọng tâm. Phòng GD&ĐT thị xã chỉ đạo Ban giám hiệu các trường phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương để vận động đến trường lớp học đảm bảo số lượng.

dt3-20231106-132811-1699256423.jpgCán bộ xã, thôn, thầy cô giáo đến động viên gia đình cho học sinh ra lớp học.

Chính nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm của những người thầy, người cô, của những cán bộ thôn, quan trọng nhất là mô hình trường học bán trú đã giúp học sinh ở trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phình đã được nâng cao, tỷ lệ chuyên cần đạt 97%, là tiền đề kỳ vọng đạt được những kết quả cao trong năm học này.