Doanh nghiệp ngành gỗ thích ứng linh hoạt để đạt mục tiêu xuất khẩu

Duca
Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất đang gặp nhiều thách thức trong ngắn hạn nhưng vẫn còn dư địa để mở rộng thị phần trong tương lai.

Lạc quan trước thách thức

Đầu tháng 4/2024, ghi nhận của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đơn hàng của doanh nghiệp ngành gỗ trong quý I/2024 khá lạc quan.

Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024. Rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần và thị trường thành phố Hồ Chí Minh đang đón những tín hiệu tích cực.

Đơn cử, Công ty TNHH Đức Thiện đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 6/2024. Ông Lê Hà Trọng Châu, đại diện Công ty Đức Thiện chia sẻ, thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của công ty chủ yếu là Mỹ, mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu 10 - 15 container, doanh thu đạt 1 - 1,2 triệu USD. Với những diễn biến hiện tại, doanh nghiệp dự kiến năm 2024 đạt tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20%.

Còn tại tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước đạt gần 8 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật trong số đó là ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ có sự bứt phá khá ấn tượng.

Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, dù gặp nhiều khó khăn, ngành gỗ của tỉnh vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Trong đó, thị trường chủ yếu là Mỹ, chiếm gần 83% tổng lượng xuất khẩu ngành gỗ, tăng hơn 93% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu chiếm 4,5%, tăng hơn 67%; Nhật Bản chiếm 3,2%, tăng hơn 40%...

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp ngành gỗ thích ứng linh hoạt để đạt mục tiêu xuất khẩu

Doanh nghiệp ngành gỗ đang tìm cách thích nghi tốt hơn với nhu cầu từ thị trường thế giới.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ngành gỗ của địa phương đang chịu tác động chung với khó khăn của ngành gỗ Việt Nam khi thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…

Mặt khác, tác động kéo dài của dịch bệnh, xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào, phí nhân công cao. So với thời điểm trước, xuất khẩu gỗ hiện nay đã khác, không còn đơn hàng ký theo năm, thay vào đó, doanh nghiệp làm theo mẫu, giao ngắn hạn và chủ động tìm kiếm khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu gỗ là khoảng cách về chất lượng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các doanh nghiệp FDI thường có mạng lưới mua hàng quốc tế và sản xuất sản phẩm gỗ cho phân khúc trung và cao cấp, ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế so với sản phẩm giá rẻ.

Báo cáo năm 2023 của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chiếm gần 93% tổng giá trị thương mại lâm sản hàng năm của Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu gỗ và đồ gỗ duy trì ở mức hai con số trong thời gian dài, kể cả giai đoạn dịch Covid-19.

Tuy nhiên, năm 2023 với tác động dây chuyền từ xu hướng suy thoái kinh tế, lạm phát lan rộng, xung đột ở nhiều khu vực đã khiến ngành gỗ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn hàng giảm sút do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu; trong đó, có sản phẩm gỗ và nội thất.

Đầu ra của ngành gỗ và nội thất Việt Nam phụ thuộc vào thị trường nước ngoài nhưng sức mua của các khách hàng lớn tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều đồng loạt giảm sâu.

Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài.

Đa dạng sản phẩm, tìm lối đi riêng

Trước tình hình này, ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động phối hợp với khách hàng nước ngoài, sản xuất những mẫu mã mới mang thương hiệu riêng để chiếm lĩnh thị trường mục tiêu. Nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Philippines… được doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai thác đang đạt mức tăng trưởng khá tốt.

Còn ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, các thành viên của hội đang tập trung góp phần đưa toàn ngành chuyển đổi từ sản xuất gia công (OEM) sang phát triển có thiết kế riêng (ODM) để nâng cao giá trị sản phẩm "made in Vietnam".

"Thay vì gia công vài USD/món hàng, tại sao chúng ta không tự thiết kế và sản xuất để có những món hàng giá trị vài trăm USD? Điều cốt lõi này nằm ở giá trị thiết kế, mà người Việt Nam hoàn toàn làm được", ông Khanh nói.

Đại diện HAWA cũng khẳng định, ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam hiện đang là một trong những ngành hàng có giá trị xuất siêu lớn nhất cả nước. Ngay cả năm 2023, mặc dù khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng ngành gỗ vẫn mang lại giá trị xuất siêu hơn 10 tỷ USD.

Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn lao động lành nghề trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất, đồ mỹ nghệ với trên 300.000 lao động. Với việc mở rộng diện tích rừng trồng và thúc đẩy sử dụng các nguồn cung gỗ hợp pháp, Việt Nam đang sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ chuỗi cung ứng này.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, những khó khăn mà ngành gỗ đã và đang trải qua như nhu cầu thị trường giảm, xung đột giữa các quốc gia và căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá vận chuyển tăng cao vẫn đang tiếp diễn nhưng sẽ chỉ mang tính giai đoạn.

“Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ và nội thất trong dài hạn vẫn tăng lên, Việt Nam dù nằm trong top các quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ lớn của thế giới nhưng vẫn chiếm thị phần rất nhỏ. Để mở ra dư địa phát triển, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần phải có giải pháp để từng bước tăng thị phần ở các thị trường quan trọng, không ngừng khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng”, ông Khanh đánh giá

Trong khi đó ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) nhận xét, quan sát thị trường và tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp thời gian qua có thể thấy rõ, dù đều bị tác động của xu hướng suy giảm tiêu dùng nhưng mức giảm ở các nhóm doanh nghiệp là khác nhau. Với nhóm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có giá trị trung bình trở lên và có chuỗi mua hàng ở nước ngoài thì mức độ sụt giảm đơn hàng chỉ ở mức 20%.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng giá trị thấp và không có hệ thống mua hàng bị giảm tới 40% lượng đơn hàng. Điều này cho thấy, lạm phát và suy thoái kinh tế ảnh hưởng nhiều nhất đến nhóm người có thu nhập thấp và họ nhanh chóng cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu. Thêm vào đó, người tiêu dùng thế giới ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, các giá trị tăng thêm trong thiết kế, công dụng của sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, để đi đường dài, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đáng mừng là thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.

Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.