Đề xuất người có BHYT được thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện

Duca
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Quỹ BHYT hiện vẫn chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Điều này là chưa hợp lý, bởi cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Luật Khám bệnh chữa bệnh.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Quỹ BHYT hiện vẫn chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Điều này là chưa hợp lý, bởi cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Luật Khám bệnh chữa bệnh.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Góp ý về thanh toán chi phí vận chuyển và cấp cứu ngoại viện, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, khi dự thảo luật chỉ quy định một số nhóm đối tượng có thẻ BHYT mới được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển viện.

Theo bà Hà, điều này đã tạo ra sự thiếu công bằng cho các đối tượng còn lại. Ngoài ra, Quỹ BHYT vẫn chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

"Điều này là chưa hợp lý, bởi cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Luật Khám bệnh chữa bệnh. Đây là nhu cầu cấp thiết và quan trọng, giúp can thiệp kịp thời và cứu sống người bệnh trong những tình huống khẩn cấp. Ở nhiều quốc gia, quyền được tiếp cận cấp cứu ngoại viện là một trong những quyền hiến định", bà Hà nói.

Đề xuất người có BHYT được thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Media Quốc hội).

Còn về chuyên môn, theo đại biểu, việc cấp cứu trong "thời điểm vàng" giúp giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng, nguy cơ biến chứng và tiết kiệm chi phí điều trị lâu dài, cũng chính là giảm gánh nặng cho Quỹ BHYT, đồng thời cũng tạo điều kiện cho việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện trên cả nước.

Từ đó, nữ đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung phạm vi thanh toán theo hướng, mọi đối tượng có thẻ BHYT đều được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo người có thẻ BHYT được hưởng các quyền lợi công bằng, không phân biệt và bổ sung thêm quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

Về phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói, hiện Quỹ BHYT chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng và sàng lọc.

Theo bà, các bệnh như ung thư, tăng huyết áp và đái tháo đường hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị. Nếu được phát hiện sớm, các chi phí này chắc chắn sẽ giảm đáng kể và người bệnh cũng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Dẫn các nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, bà Hà cho biết nếu phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, chi phí điều trị chỉ khoảng 5 triệu đồng/năm, trong khi điều trị biến chứng muộn có thể lên đến 92 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, các dịch vụ dự phòng này vẫn chưa được BHYT chi trả, gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế.

Từ phân tích trên, đại biểu Hà kiến nghị bổ sung phạm vi thanh toán BHYT cho các danh mục dự phòng, sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.

Đề xuất người có BHYT được thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện- Ảnh 2.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Ảnh: Media Quốc hội).

Cũng góp ý, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) thì đề nghị tăng cường vai trò của Bộ Y tế trong quản lý giám định BHYT. Hiện nay, theo khoản 6 điều 2 luật BHYT, giám định BHYT là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ BHYT do tổ chức BHYT tiến hành.

Tuy nhiên, đại biểu Bình cho rằng đang thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định, dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện. Điều này khiến tình trạng trễ hạn thanh toán chi phí xảy ra khá phổ biến trong thực tế.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2023 có 30% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định y tế.

Ông Bình đề xuất bổ sung quy định trong luật BHYT yêu cầu Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với ngành y tế. Quy định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, mà còn tránh gây chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cho cơ sở y tế và người bệnh.