CEO Trà Cozy: Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo

Duca
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới - chủ thương hiệu trà Cozy, doanh nghiệp chè phải thay đổi tư duy, việc chạy theo số lượng không còn phù hợp mà sản xuất phải gắn với thị trường, làm những gì thị trường cần.

Ngày 5/11, Diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao" đã được tổ chức tại Phú Thọ - một trong những địa phương sản xuất chè trọng điểm của cả nước.

Diễn đàn được tổ chức nhằm phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới, kinh nghiệm đổi mới bộ giống chè, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè. Kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây trồng khác sang trồng chè chất lượng cao.

Giá trị chè của Việt Nam còn thấp

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Minh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong tổng số 194.000 tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146.000 tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48.000 tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.

CEO Trà Cozy: Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Minh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: Quỳnh Chi).

"Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn. Như vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè Việt Nam trong thời gian tới", ông Mạnh nói.

Cho đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng…

CEO Trà Cozy: Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo- Ảnh 2.

Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh (Ảnh: Hữu Thắng).

Bên cạnh đó, ông Mạnh đề xuất: "Cần đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè".

Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: "Sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh".

CEO Trà Cozy: Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo- Ảnh 3.

Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: Quỳnh Chi).

Đồng thời, có phương án quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

Việc quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Công tác quản lý cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Hòa, quy định về chè của các nước nhập khẩu có một số điều khác nhau. Ông lấy ví dụ về thị trường Pakistan, chè Việt Nam xuất đi quốc gia này ngoài đáp ứng tiêu chuẩn Codex, ISO, còn phải có chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, phải đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm còn ít nhất 50% thời hạn sử dụng ban đầu tại thời điểm nhập khẩu.

Chè Việt Nam dễ rơi vào "bẫy giá rẻ" của thế giới

Ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới – chủ thương hiệu trà Cozy cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chè là thay đổi cách tư duy. Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà phải là cây làm giàu".

CEO Trà Cozy: Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo- Ảnh 4.

Ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới (Ảnh: Quỳnh Chi).

Ông Tuân nhấn mạnh, việc chạy theo số lượng không còn phù hợp mà sản xuất phải gắn với thị trường, làm những gì thị trường cần. Tại Thế Hệ Mới, công ty đã giảm hẳn lượng xuất khẩu thô, tập trung vào đầu tư công nghệ, máy móc, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trà túi lọc, hòa tan,...

Bên cạnh việc sản xuất chè theo cách truyền thống, doanh nghiệp tin rằng một số sản phẩm phụ trợ như làm bột matcha… ngày càng được thị trường đón nhận. Điều này đặt ra những vấn đề về tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Cùng với đầu tư công nghệ, ông Tuân dự kiến sẽ phát triển các sản phẩm như du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè. "Việt Nam có nhiều sản phẩm độc đáo như chè sen được ướp độc đáo và tinh tế, đủ khả năng đưa lên tầm quốc bảo với giá trị cao hơn", ông Tuân kỳ vọng.

Phát biểu tại sự kiện ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng, những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Giải thích rõ hơn về giá chè, ông Long nhận định, thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lý do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào "bẫy giá rẻ" của thế giới.

CEO Trà Cozy: Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo- Ảnh 5.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Chi).

"Mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, có loại chè bán thấp nhất ở giá bình quân 7 USD/kg nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD. Như vậy, hòa chung với giá nội tiêu, giá chè trung bình khoảng 4 USD/kg", ông Long làm rõ vấn đề.

Hiện nay, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới như nông nghiệp phá vỡ sản xuất tập trung, nông công nghiệp còn ít. Và họ lại tiếp tục tìm mua búp rẻ.

Như vậy, để khắc phục hiện trạng này, cần tập trung liên kết doanh nghiệp, HTX, nông dân, chính quyền địa phương. Tất cả cần vào cuộc để khai thác tiềm năng, bỏ tư duy "dìm giá", phân tán thị trường.