Nhu cầu lớn về cây xanh đô thị
Theo Luật Quy hoạch Đô thị, tỷ lệ cây xanh ở các đô thị phải đạt 10m2 cây xanh/người. Như vậy, với 5 thành phố trực thuộc trung ương cùng hàng trăm đô thị thuộc các tỉnh còn lại thì diện tích cây xanh cần đạt được là rất lớn.
Gần như tại tất cả các đô thị Việt Nam đều có công viên, trường học là những nơi chắc chắn phải có nhiều cây xanh. Và với các khu đô thị mới thì cây xanh cũng là không thể thiếu và thậm chí là hết sức quan trọng như các khu đô thị của tập đoàn EcoPark. Không chỉ có vậy, trên các đường phố, quốc lộ cũng không thể thiếu cây xanh. Và đương nhiên, để đáp ứng cho nhu cầu này thì ở đâu cũng phải có nhân lực để thiết kế, chăm sóc cây xanh đô thị một cách bài bản.
Về cơ bản, tất cả các địa phương đều có ít nhất một doanh nghiệp nhà nước để chăm lo công việc này. Không chỉ có đội ngũ công nhân để lo chăm sóc, cắt tải và trồng mới cây xanh mà còn không thể thiếu các kỹ sư về cây xanh đô thị và kiến trúc cảnh quan được đào tạo qua trường lớp chính thức.
Tại Hà Nội, doanh nghiệp nhà nước này chính là Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội. Tuy là doanh nghiệp nhà nước nhưng công ty này cũng phải đấu thầu với UBND thành phố Hà Nội để nhận được ngân sách cho công việc của mình. Và có lẽ tại các đô thị khác thì tình hình cũng như vậy. Ngoài việc chăm sóc hệ thống cây xanh cho các công viên, vườn hoa, đường phố, họ có thể tham gia nhận thầu công việc cho các trường học, bệnh viện cùng các cơ sở khác có nhu cầu. Nói chung, đây là một thị trường mà bản thân các doanh nghiệp nhà nước cũng phải cạnh tranh khốc liệt với tư nhân.
Theo TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam, xu thế của cư dân đô thị là ngoài những nhu cầu về giải trí, văn hoá… gắn với cây xanh và cả với rừng càng ngày càng tăng. Do đó, ở ngoại vi các đô thị phải có rừng phòng hộ cảnh quan để cư dân đô thị có thể đến ăn nghỉ vào những dịp cuối tuần. Đây chính là một trong những tiềm năng của ngành lâm nghiệp. Giá trị phi vật thể của rừng và cây xanh với người dân chính là ở chỗ đó.
Thế nhưng, dù nhu cầu nhân lực chất lượng cao về cây xanh đô thị rất lớm nhưng những địa chỉ chuyên đào tạo kỹ sư về cây xanh đô thị lại chưa bao giờ có đông đối tượng quan tâm và tham gia vào quá trình tuyển sinh.
Học về lâm nghiệp nhưng công việc không phải là lên rừng
Có 2 địa chỉ đang đào tạo về cây xanh đô thị là Trường Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai, Hà Nội và Trường Đại học Nông lâm TPHCM. Việc tuyển sinh mã ngành này chưa mấy thành công theo TS Triệu Văn Hùng có lẽ vì cứ nói đến các trường lâm nghiệp thì về cơ bản người ta đều nghĩ rằng học xong sẽ phải lên rừng và gắn bó với rừng suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, không có mấy thí sinh nhìn vào thực tế về cây xanh đô thị để biết rằng có cả những loại rừng nằm ngay gĩa đô thị và chắc chắn rất có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư về chuyên ngành này.
Không chỉ có các trường nói trên đang đào tạo về cây xanh đô thị, tại các trường đại học kiến trúc cũng có đào tạo về ngành kiến trúc phong cảnh mà trong đó cũng không thể thiếu yếu tố cây xanh. Tuy nhiên, kiến trúc sư về kiến trúc phong cảnh thì cũng chỉ nặng về thiết kế cảnh quan chứ không chuyên sâu về cây xanh như ở các trường lâm nghiệp.
PGS TS Đặng Văn Hà – Viện trưởng Viện Kiến trúc Cảnh quan và Cây xanh Đô thị thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp cũng cho biết, thường thì hàng năm hai chuyên ngành này của trường chỉ tuyển được một số lượng sinh viên hết sức khiêm tốn so với tiềm năng. Nguyên nhân có lẽ vì những ngành thời thượng như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh… vẫn có sức hút lớn hơn dù học phí đắt.
Tuy nhiên, do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất lớn nên mức độ cạnh tranh đầu ra của sinh viên các chuyên ngành kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị là nhỏ hơn nhiều so với những ngành mốt thời thượng nói trên.
Với tổng số 833 đô thị lớn, nhỏ trên cả nước, nhu cầu nhân lực về cây xanh đô thị là không hề nhỏ. Đương nhiên, nhu cầu nhân lực này không chỉ là công nhân mà phải có cả kỹ sư. Trồng loại cây gì cho phù hợp và quy trình chăm sóc, bảo dưỡng ra sao thì đó là công việc của đội ngũ kỹ sư cây xanh đô thị. Và cũng còn phải kể đến những nhiệm vụ phải đặt ra cho mùa mưa bão là phải cắt tỉa cây xanh thì chính các kỹ sư cũng phải nghiên cứu, lên kế hoạch làm việc cho đội ngũ công nhân. Không chỉ có vậy, cây xanh đô thị cũng còn phải có tính mỹ quan nên ngoài các kiến thức chuyên môn thì sinh viên ngành này còn phải học về mỹ thuật để đáp ứng nhu cầu về cái đẹp.
Chính vì thế, tin rằng trong một tương lai gần, với tốc độ đô thị hoá ngày một gia tăng thì các chuyên ngành kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị cũng dần có sức hút trong tuyển sinh đại học ở Việt Nam. Song để việc này thành hiện thực thì chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm như PGS TS Đặng Văn Hà cho biết.
Theo ông Nghiêm Văn Nam – chuyên gia cây xanh của Khu đô thị EcoPark, bản thân ông và một số đồng nghiệp ở đây là những người được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Ecopark cũng luôn có nhu cầu tuyển mới cho các vị trí nhân sự về lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng không dễ tuyển đủ vì số lượng đầu ra của trường Đại học Lâm nghiệp không đáp ứng đủ..
Và mọi thứ cũng đều phải có thời gian để bản thân các thí sinh cùng gia đình nhận ra những nhu cầu nhân lực đang rất thiếu của chuyên ngành cây xanh đô thị. Ông Nghiêm Văn Nam cho biết, những ai muốn đầu quân về lĩnh vực này cho EcoPark chắc chăn không phải cạnh tranh quá nhiều với các ứng viên khác và mức lương khởi điểm cũng không hề thấp. Không chỉ có EcoPark mà tất cả các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam sớm muộn cũng phải quan tâm đến nhu cầu về cây xanh đô thị cho mình. Đó chính là miền đất hứa đầy tiềm năng cho đội ngũ nhân lực về cây xanh đô thị trong tương lai.