Cần xem xét nâng mức phạt nẹt pô xe máy cao như có nồng độ cồn với người tham gia giao thông

Duca
Có lẽ trong mỗi chúng ta khi tham gia giao thông đều ít nhiều bị giật mình bởi những tiếng nẹt pô xe. Hình như, khi chúng ta càng chú ý, càng khó chịu, người lái xe nẹt pô càng hả hê sung sướng. Đa số những người ngồi trên những chiếc xe ấy, là các bạn còn rất trẻ.

Không chỉ nẹt pô, những lái xe máy này thường lạng lách, đánh võng, thậm chí biết bốc cả đầu xe khá điêu luyện, cốt chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình. Còn việc mọi người có ức chế hay tỏ vẻ khó chịu, các lái xe ấy dường như chẳng quan tâm. Thỉnh thoảng, có những chiếc xe đã độ pô, tiếng nổ của chúng đứt quãng hay gầm hú kinh hoàng, đều khiến chúng ta ngao ngán.

Một người bạn tôi bảo, chẳng hiểu sao lại có những cô gái lại thích ngồi đàng sau những tay lái ấy. Nói rồi lại tự giải thích nửa vui nửa đùa: Con gái thích trai hư, mà chắc gì các bạn đó đã hư, chỉ là cá tính họ thích như vậy…
Những ai ở những thành phố đông dân cư, ban ngày đã mỏi mệt bởi ô nhiễm tiếng ồn bởi hàng vạn lượt xe di chuyển, đến đêm đang vào giấc ngủ lại có tiếng nẹt pô ầm ỹ thì hẳn sẽ ủng hộ việc tăng mức phạt thật cao lên để hạn chế nạn ô nhiễm tiếng ồn này.

bing-minh-hoa-2-1708535920.jpeg Tranh minh họa.

Tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi nẹt pô xe liên tục trong khu dân cư. Theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi nẹt pô xe liên tục trong khu dân cư.
Với mức phạt trên, hẳn là các lái xe thích được thể hiện, được chứng minh bản thân đặc biệt, cũng chẳng lấy gì làm lo lắng lắm. Vậy nên, thật cần thiết nghiên cứu, điều chỉnh, nâng mức phạt thật cao, lúc đó sẽ có sức răn đe hơn rất nhiều.