Bản tin 12/11: Đề xuất "cấm" nhà giáo làm sai lệch kết quả đánh giá học sinh

Duca
Đề xuất "cấm" nhà giáo làm sai lệch kết quả đánh giá học sinh; Giá vàng đua nhau lập đỉnh, người sở hữu "hoa mắt chóng mặt"...

Đề xuất "cấm" nhà giáo làm sai lệch kết quả đánh giá học sinh

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Đáng chú ý có nhiều điểm mới trong Dự thảo như: Đối tượng, phạm vi áp dụng mở rộng; chuẩn hóa đội ngũ, giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, quy định tuyển dụng phải đảm bảo có thực hành sư phạm…

Theo báo Tiền Phong, dự thảo cũng quy định, những việc nhà giáo không được khá chi tiết và có điểm mới.

Cụ thể như, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài ra, nhà giáo không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; không được gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; không buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật; không lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, dự thảo cũng giữ đề xuất những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo trong đó có nội dung: "Không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý".

Theo Bộ GD&ĐT, trong các luật hiện nay, có 3 luật có nhiều quy định tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới nhà giáo là Luật Viên chức, Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động. Việc ban hành Luật Nhà giáo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, đồng thời có một số chính sách đặc thù để có cơ hội phát triển tốt hơn.

Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản

Sáng 11/11, tham gia chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam mới chiếm tỉ lệ là 20%. Trong khi đó, ở Trung Quốc có thời điểm dư nợ tín dụng bất động sản lên tới 30%.

Như vậy, vẫn còn dư địa cho vay bất động sản ở Việt Nam hiện nay. "Đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm về vấn đề này?", đại biểu Khánh chất vấn.

Tương tự, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cũng đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như thế nào tình trạng "chạy sô" tăng trưởng của một số tổ chức tín dụng và giải pháp nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?

Giá vàng đua nhau lập đỉnh, người sở hữu "hoa mắt chóng mặt"

Sáng 11/11, tham gia chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phản ánh sự chênh lệch giữa vàng miếng thế giới và giá vàng thế giới nói lên thị trường chưa thực sự ổn định, thiếu tính bền vững, chịu tác động bởi tâm lý kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro, tác động đến thị trường tiền tệ ngoại hối vì vậy các loại vàng đua nhau lập đỉnh làm cho người muốn sở hữu thì "hoa mắt chóng mặt", các cơ quan quản lý thì không khỏi đau đầu.

"Xin Thống đốc cho biết giải pháp nào để người dân từ bỏ tâm lý tích trữ vàng để dành nguồn lực cho phát triển đất nước?", đại biểu chất vấn.

Vấn đề thứ 2, đại biểu đánh giá tích cực việc kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới trong thời gian gần đây. "Nhưng xin hỏi khi kéo giá vàng SJC với giá vàng thế giới thì ai được hưởng lợi, ai sẽ thiệt khi đã mua vàng SJC?", ông Mai hỏi.

Xem thêm!

Trúc Chi (t/h)